NHẬT KÝ ĐIỀN DÃ
Những ghi chép về đời sống công nhân: Bến cát tháng tư (phần 5)
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. Tiếp nối câu chuyện về đời sống công nhân, Đời sống Xã hội xin chân thành cảm ơn tác giả Bích Ngọc đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại Bình Dương, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bình Dương do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 04/2012, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những ghi chép về đời sống công nhân: Bến Cát tháng tư”.
NGÀY 15/4/2012
Mới đó mà đã ngày thứ năm ở địa bàn rồi, nhớ mấy ngày đầu ở đây hai đứa tôi cứ bị lạc đường suốt, giờ thì ổn rồi, chạy một mạch là đến nơi. Nhóm thảo luận đầu tiên của chúng tôi được chọn ở ấp 6, bao gồm 6 nam độc thân. 8 giờ sáng chúng tôi có mặt ở nhà chú hai Thích, nắng sớm len qua khe cửa, hình như chú không có nhà, gọi mãi mới thấy thằng con trai của chú lên tiếng từ trên gác. Chúng tôi nhanh chóng sắp xếp những vật dụng cần thiết và ngồi chờ các bạn tới.
Khoảng 10 phút sau, chú hai xuất hiện, lúc này đã tỉnh táo hơn hôm qua, chú bảo cứ tự nhiên, cần gì thì nói. Đợi mãi đến 8 giờ rưỡi, còn thiếu một người nữa nên tôi nhờ chú hai dẫn thêm người tới. Một lát sau, chú không chỉ dẫn một mà đến những ba người đến. Nhưng cuối cùng chốt lại danh sách cũng chỉ có 6 người, phần lớn mọi người đều quê ở Cà mau, bao gồm: Tình, Thơ, Trân, Ngô, Nguyên và Trường.
Trong 6 người này, Trường ít phát biểu nhất nên tôi chú ý nhiều hơn, Còn Tình thì cứ huyên thuyên suốt. Tôi chịu trách nhiệm hướng dẫn, lúc đầu mọi người không hiểu, nhưng giải thích mãi họ mới hiểu và làm theo yêu cầu của chúng tôi. Quả thật trong chuyến đi này, tôi và Sang gặp phải vấn đề với máy thu âm, mặc dù hai đứa đều mang theo máy nhưng cả hai cái đều “cùi bắp”. Thế là chúng tôi quyết định quay phim. Nhưng quay phim thì việc ghi chép như thế nào? Quay một lát chúng tôi gặp vấn đề với dung lượng thẻ nhớ và pin.
Đúng là kinh nghiệm nhớ đời! Cái khó trong thảo luận nhóm chính là khơi gợi vấn đề cho họ tranh luận với nhau, nhưng họ rất ít đưa ra ý kiến của mình. Tôi chịu trách nhiệm này, nhiều lúc tôi có cảm giác giống như mình đang thực hiện cuộc phỏng vấn tập thể. Loay hoay mãi, cũng đã 11 giờ kém, thấy mọi người có vẻ mệt mỏi, nhưng cũng đã gần xong rồi. Phần làm biểu bồ venn Sang hướng dẫn khá tốt, tôi chỉ việc ngồi quan sát, khơi gợi tranh luận và quay phim lại.
Qua Sơ đồ cộng đồng, hầu hết mọi người đều thích đến khu vui chơi, quán cà fê, họ có vẻ không thích nhà trọ và chỗ làm việc. Sơ đồ venn cũng hiện rõ vai trò và sự gần gũi của chủ nhà trọ, gia đình cũng như tổ trưởng nơi làm việc của họ. Sau cuộc thảo luận, mọi người có vẻ gần gũi, nói chuyện nhiều hơn. Cuộc thảo luận đầu tiên của hai đứa tôi kết thúc lúc 11 giờ. Dọn dẹp “bãi chiến trường” xong, chúng tôi cám ơn chú hai Thích và nhờ chú giới thiệu thêm công nhân trong khu trọ của chú.
Tôi đi theo chú, còn Sang ở lại tiếp tục dọn dẹp. Nhà trọ mà chú dẫn tôi đi khác hẳn nhà trọ bên dì Liên. Phòng trọ được xây sát vào nhau, không có nhiều không gian vui chơi, chỉ có một lối đi chật hẹp ngăn cách hai dãy trọ. Phòng có diện tích khoảng 9m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, mỗi phòng đều có gác và được lót gạch men. Không gian này thích hợp cho một gia đình nhỏ. Hôm nay là chủ nhật nên khu trọ khá náo nhiệt. Tôi được tiếp xúc với chị Võ Thị Nam tại nhà trọ Phương Nam. Phòng chị khá chật hẹp, vật dụng được sắp xếp kín cả không gian, trên tấm nệm để giữa nhà, chồng chị đang ngủ say.
Chị bảo anh mới làm ca đêm về nên ngủ. Đứa con trai ba tuổi của chị chạy quanh quẩn căn phòng chơi đùa với một bé gái con hàng xóm. Chị làm việc cho công ty dây giày Chenxu được 6 năm rồi. Chị tỏ vẻ khá hài lòng về nơi làm việc của mình, nhất là về giờ giấc cho bà mẹ có con nhỏ: “Không biết công ty khác nó sao không biết, dưới quê lên là mần ở đó tới giờ luôn đó, thoải mái, rồi gì cũng được hết trơn, mình có khó khăn gì mình xin cũng được, rồi có con có cái, xin công ty về ngang xương cũng được luôn. Khi con đi học vầy nè, cô giáo có khi 1-2 giờ trưa kêu rước rồi, cũng xin được xuống ca đi về”. Tôi ngạc nhiên khi nghe chị tâm sự về công ty của mình, chị cảm thấy hài lòng với những gì công ty mang lại, nhưng những gì chị kể về công ty của mình như giờ làm, việc tăng ca, các chính sách phúc lợi đều giống như những công ty khác, đại khái và qua loa.
Phải chăng chính sách phúc lợi của doanh nghiệp đã ổn hay đây là một sự cam chịu, chấp nhận do quá quen với chính sách đó trong nhiều năm? Tôi boăn khoăn không biết những cuộc phỏng vấn của mình với những đối tượng trên có thu được những thông tin hay hay không vì tôi không hài lòng về những cuộc phỏng vấn đã thực hiện, còn thiếu khá nhiều thông tin. Nhưng quả thật nhiều lúc đầu óc trống rỗng đến nỗi họ ngồi ngay trước mặt cũng chẳng biết hỏi thêm gì. Những cuộc phỏng vấn sâu của tôi chỉ kéo dài chừng 45 phút là nhiều nhất, điều này làm tôi thật sự lo lắng. Lúc này đã 12 giờ hơn rồi, nắng nóng muốn cháy da, tôi quay lại tìm Sang thì thấy nó đang ngồi đợi tôi trước cửa nhà chú hai.
Cũng như mọi khi, nó hỏi tôi “Về chưa chị?”, trong lòng thấy thương lắm, lúc sáng nó cũng chưa kịp ăn gì, loay hoay cả buổi sáng chắc là đói lắm. Lần này tôi dành chở nó về, nhưng thú thật tôi sợ chở nó lắm vì cái màn lên xuống xe của nó khiến tôi đau điếng, lúc lên thì thượng cẳng chân, lúc xuống thì hạ cẳng tay.
Nhiều lúc nghĩ hình như nó xem mình là đứa con trai thì phải, thương thì thương nhưng mà cũng ức lắm…. Do công nhân ở bên khu phố 4 ngại đến văn phòng khu phố nên chúng tôi quyết định thực hiện thảo luận nhóm ngay tại phòng trọ của một trong số chị tham gia. Đó là phòng của chị Dao, chị sinh năm 1977, quê ở Phú Thọ, chị độc thân. Theo mẫu là phải chọn người có gia đình, tôi quay lại hỏi Sang nói lại anh Hòa kiếm người khác dùm. Nhưng Sang nói bây giờ kiếm không kịp nữa vì người ta không chịu đi. Đầu tôi đau cả lên, bây giờ phải làm sao? Không làm thì cũng không được mà làm thì cũng không đúng như yêu cầu. Tôi quyết định tiếp tục làm, về báo cáo sau. Khoảng 3 giờ 30 chiều, mọi người đều đã được tập hợp đầy đủ. Chúng tôi làm quen với nhau, hỏi một số thông tin cá nhân.
Bỗng chị Chinh, 34 tuổi, người Hà Nội, đang làm cho công ty Nutifood, hỏi tôi: “Chị nói thật, không biết mấy em làm cái này có ích gì hay không, lúc trước cũng có một vài người tới đây hỏi về vấn đề này rồi, chị thì chị cũng tham gia công tác đoàn trong công ty, cũng được đi họp hành với nhiều ông lãnh đạo. Họ đều biết hết, nhưng chẳng thấy thay đổi gì cả, vẫn thế. Không biết mấy em làm rồi có thay đổi được gì hay không?” Mọi người ai nấy đều nhìn về phía chị và tôi như đang trông chờ một sự giải đáp.
Vâng, điều này ngay chính cả tôi cũng không biết. Đưa ra chính sách hay thay đổi chính sách cho tới khi thực thi nó là cả một khoảng thời gian không hạn định. Mặc dù vậy tôi cũng cố an ủi chị và mọi người bằng những ưu điểm và triển vọng của đề tài mà tôi và Sang đang làm. Lần này Sang chịu trách nhiệm hướng dẫn là chủ yếu, các sự cố kĩ thuật được hạn chế hơn lúc sáng, chúng tôi quay được nhiều phim hơn và đầy đủ hơn. Nhóm buổi chiều làm việc nghiêm túc hơn nhóm buổi sáng và các chị đưa ra nhiều vấn đề hơn.
Ở nhóm này chúng tôi cũng gặp phải vấn đề khơi gợi tranh luận như nhóm trước, nhưng hai đứa tôi vẫn cố gắng lèo lái theo đúng yêu cầu. Cuộc thảo luận thứ hai kết thúc lúc 6 giờ tối, mọi người cũng đã mệt nhừ. Chị Dung và chị Lam mời chúng tôi nán lại dùng “quà quê”, đó là một loại bánh làm từ nếp trộn với đường.
Chi Lam, sinh năm 1964, quê ở Hà Nội, đã lập gia đình nhưng đã li dị tâm sự: “Chị vào đây cũng mười mấy năm rồi, cũng làm công nhân nhiều nơi, chị còn mẹ già phải nuôi nhưng lương công nhân thấp như thế này, khoảng vài tháng chị gôm được một ít chừng năm sáu trăm gửi về quê cho mẹ. Chị Dung kể: “Lúc trước chị cũng làm cho công ty khác rồi mới làm cho Nutifood, bên đây làm thấy đỡ mệt hơn những công ty khác, nhất là công ty Đài Loan, làm suốt”. Chúng tôi trò chuyện đến khoảng 6 giờ rưỡi tối. Làm xong PRA hai đứa mừng lắm, về nhà, chúng tôi kể đủ thứ chuyện cho Út nghe.
Thoáng thấy nét buồn trên mặt Út khi nghe dì hỏi khi nào hai đứa tôi về Thành phố. Không biết Sang có nhận ra hay không nhưng tôi thì thấy rất rõ, trong bữa cơm tối nay, Út tâm sự nhiều lắm, nhiều đến mức như thể tranh thủ thời gian ngắn ngủi gặp mặt hai đứa tôi vậy……
(Còn tiếp)
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...