Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến góp ý như nên giảm một trong các điều kiện được nhận hỗ trợ như thời hạn ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), chứng minh có nơi ở trọ, danh sách nhận lương…

Sự hỗ trợ rất cần thiết

Góp ý về đề xuất, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (thuộc Thành đoàn TP.HCM), cho biết TP.HCM vừa trải qua một năm phải chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, NLĐ cũng gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt. Cho nên nếu đề xuất này được thực hiện sẽ nhận được rất nhiều sự đồng tình của cả người dân và DN.

Đây cũng là chính sách kịp thời nhằm giữ chân, thu hút NLĐ đến làm việc tại các TP lớn. Đặc biệt, khi NLĐ được tạo điều kiện về chỗ ở thì họ sẽ an tâm hơn trong công việc.

Cần giảm điều kiện nhận tiền thuê nhà cho người lao động - ảnh 1
Người dân lao động đang thuê trọ tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cũng theo ông Sang, về thị trường lao động thì trong thời gian gần đây nhu cầu tuyển dụng nhiều. Đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên, về nguồn lao động hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tuyển dụng.

Anh Nguyễn Văn Long, công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, cho biết từ đầu tháng 5-2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty phải thu hẹp sản xuất và cho một số công nhân nghỉ việc. Thế là cả vợ chồng anh cùng làm ở công ty này phải thất nghiệp và về quê.

“Đầu năm 2022, vợ chồng tôi từ quê lên TP.HCM tìm việc làm mới. Khó khăn nhất là chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ. Để có tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt, tôi phải vay mượn người thân. Nếu được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê trọ trong thời gian này thì không chỉ với tôi mà với nhiều người khác sẽ là sự hỗ trợ rất cần thiết” – anh Long nói.

Chính sách để khuyến khích, giữ chân người lao động

Trao đổi với PV, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho biết chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ là rất phù hợp. Đây là chính sách để khuyến khích, giữ chân NLĐ đến các TP lớn làm việc. Công nhân của công ty cũng có không ít người gặp khó khăn về nhà ở, nếu được hỗ trợ vài tháng tiền thuê trọ thì quá tốt.

Anh Lê Quang Hiếu, tạm trú phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ anh đã có gần 10 năm sống trọ. Anh ở trọ từ lúc còn thanh niên cho đến khi cưới vợ, sinh con. Nghe đến đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, dù số tiền không nhiều nhưng anh Hiếu rất vui. Tuy nhiên, anh Hiếu cũng thắc mắc về nội dung trong đề xuất như NLĐ gắn bó với DN như anh lại nhận mức hỗ trợ thấp hơn người mới quay lại thị trường lao động. Anh mong muốn mức hỗ trợ sẽ đồng đều, không có sự phân biệt người mới, người cũ.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), ủng hộ đề xuất trên của Bộ LĐ-TB&XH. Đề xuất này sẽ động viên NLĐ quay lại các đô thị, khu kinh tế trọng điểm… làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, thủ tục nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo đề xuất còn rườm rà, rắc rối, nhiều khâu không cần thiết, trong khi số tiền hỗ trợ không nhiều.

“Nếu căn cứ vào HĐLĐ, chế độ BHXH thì hoàn toàn có thể cấp phát tiền hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ qua hệ thống BHXH. Hệ thống này sẽ thực hiện cấp phát nhanh chóng, chính xác và không tốn nhân lực. Đồng thời, qua việc này, BHXH càng cho NLĐ thấy rõ lợi ích, phúc lợi khi tham gia hệ thống. Từ đó BHXH được nâng cao hình ảnh về nhà nước phúc lợi” – PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nói.

Cần hỗ trợ thêm nhóm lao động chưa có HĐLĐ

Theo tôi, mức đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho đối tượng NLĐ đang làm việc và NLĐ mới quay lại cũng chưa hợp lý. Bởi NLĐ đang làm việc đã cầm cự, bám trụ hơn sáu tháng dịch cũng gặp phải nhiều khó khăn, chứ không chỉ NLĐ mới quay lại. Cho nên mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho người đang làm việc, chỉ bằng một nửa mức hỗ trợ cho NLĐ mới quay lại thị trường lao động (1 triệu đồng/tháng) là chưa hợp lý.
Ngoài ra, trong đề xuất chỉ nói đến NLĐ có ký kết HĐLĐ, chưa đề cập đến nhóm lao động trở lại làm việc nhưng vẫn chưa kịp tìm việc, chưa được ký HĐLĐ hoặc chưa có việc phù hợp. Sau dịch và tết, cuộc sống của NLĐ mới quay lại có sự xáo trộn, việc tìm kiếm công việc phù hợp cũng khó khăn hơn. Cho nên tiêu chí phải có HĐLĐ cũng cần phải cân nhắc thêm. Tôi nghĩ sẽ trọn vẹn hơn nếu Bộ LĐ-TB&XH có một gói hỗ trợ khác cho nhóm lao động phi chính thức. Bởi nhóm này cũng có đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương mà lại gặp khó khăn rất nhiều.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘCViện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life)