GIÁO DỤC
Cần quan tâm hơn đến giấc ngủ của học sinh
SLO – Từ hình ảnh những đứa trẻ mỏi mệt mỗi sáng đến trường, cho thấy một sự thật đáng lo: quyền lợi của trẻ đang bị đặt sau nhiều lợi ích khác.
Nhiều hệ lụy do thiếu ngủ
Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cả ba đứa con học mẫu giáo, tiểu học và THCS nhà chị Trần Ngọc Anh (ngụ Q.10, TPHCM) đều bị đánh thức lúc 5g45 để kịp có mặt tại trường trong khung giờ từ 7g-7g15.
Các con chị phải vừa ăn, vừa vệ sinh cá nhân, thay quần áo trong sự thúc giục liên hồi của người lớn. Hôm nào cả nhà dậy muộn chừng dăm phút, các cháu chỉ kịp được mẹ hoặc cha dúi cho những phần quà sáng mua dọc đường hoặc trước cổng trường. Chị Ngọc Anh nói: “Tôi e là khó thay đổi điều này bởi chính chúng tôi cũng phải đi làm vào khung giờ này”.
Nhiều người cho con ăn sáng vội vàng mà thương con đứt ruột. Hình ảnh các cô cậu học trò ngủ gục trên lưng cha mẹ hoặc tranh thủ ăn uống trên xe máy lúc đến trường cũng như khi tan học đã trở nên quen thuộc ở các thành phố lớn. Ngoài những băn khoăn về sức khỏe thể chất của hai con khi chúng phải dậy sớm hơn cả người lớn, chị Phạm Ngọc Cẩm (Q.12, TPHCM) còn lo hơn về những căng thẳng tinh thần của trẻ dưới áp lực học tập như hiện nay.
Một bạn đọc gọi cho chúng tôi nêu ý kiến về giảm tải cho học sinh: “Tôi thấy ở lớp, thầy cô nên cho trẻ học kiến thức mới vào buổi sáng, còn buổi chiều thì cho trẻ làm bài tập, ôn bài để khi về nhà khỏi phải học bài. Nhìn các con học sáng, chiều ở trường, tối lại đi học thêm, về nhà lại phải học bài tới 23g đêm mà xót. Trẻ con bây giờ không có tuổi thơ, đến giấc ngủ cũng chập chờn. Quyền lợi của trẻ đang bị đặt sau những lợi ích khác”.
Theo bác sĩ Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) – giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là với trẻ em. Một đứa trẻ có giấc ngủ tốt luôn khỏe mạnh và mau lớn. Một giấc ngủ chất lượng cần đảm bảo hai yếu tố quan trọng, đó là giấc ngủ sâu, tức là không bị thức giấc giữa chừng và ngủ đủ giấc. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, trẻ em từ 3-16 tuổi cần ngủ trung bình 8 giờ/ngày.
Cũng theo bác sĩ Đinh Thạc, khi thiếu ngủ hoặc mất ngủ, trẻ sẽ gặp những hệ quả là thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, lờ đờ, không tỉnh táo, không linh hoạt, việc học tập khó khăn, buổi học trở nên căng thẳng, nặng nề. Trẻ không ngủ đủ giấc cũng khiến tâm tính thất thường, dễ cáu kỉnh, khó kiểm soát cảm xúc, trở nên hung hăng, dễ gây hấn. Mất ngủ kéo dài ở trẻ dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, làm trẻ suy giảm trí nhớ, lâu nhớ mau quên, trạng thái hoạt động chậm chạp, tư duy kém nhạy bén, kém tập trung khi nghe giáo viên giảng bài.
Việc thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc khiến cho cơ thể trẻ bị giảm sút sức đề kháng do hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này khiến trẻ dễ bị mắc bệnh, nhất là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Trẻ thiếu ngủ thường xuyên, nhất là đi ngủ quá khuya, sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất. “Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trẻ ngủ đủ giấc thường có sự phát triển chiều cao thuận lợi bởi khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra hoóc-môn kích thích sự phát triển sụn khớp, giúp trẻ tăng chiều cao” – bác sĩ Đinh Thạc nói.
Quốc hội cần quan tâm
Ông T.C.K. – có con học tại một trường THCS ở Q.Gò Vấp, TPHCM – cho biết, nhà trường quy định, học sinh đến trường sau 6g40 bị trừ 5 điểm, nếu tái phạm thì phải viết kiểm điểm. Điều này khiến nhiều phụ huynh rất bất bình.
Ở nhiều trường, phụ huynh cũng phản ánh, nhà trường quy định giờ vào lớp quá sớm khiến trẻ không thể ngủ đủ giấc. Trước sóng dư luận, một vài trường ở TPHCM đã lùi giờ học.
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội Social Life – cho rằng, các phản ứng, kiến nghị của phụ huynh liên quan đến giờ học của trẻ cho thấy sự quá tải đối với học trò: “Chúng ta phải xem xét lại cách thức vận hành, tổ chức học tập của học sinh ở các trường học. Ngành giáo dục cần có những khảo sát, tính toán về chất lượng sống của trẻ qua các tiêu chí như thời gian nghỉ ngơi, thời gian học tập nhằm bảo đảm việc giáo dục, đào tạo phù hợp với lứa tuổi, thể trạng và tâm lý của học sinh”.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lộc, việc lùi giờ học phải khớp với thời gian đi làm của phụ huynh bởi đa phần phụ huynh vừa đưa con đi học, vừa đi làm. Do đó, việc tính toán giờ vào lớp không còn là việc nhỏ mà thực sự là vấn đề rất lớn của giáo dục. “Mấu chốt của vấn đề là phải giảm tải chương trình giáo dục và các hoạt động trường, lớp. Cần phải tính lại những tiêu chuẩn, khung giá trị giáo dục đã được thiết lập trở nên vừa phải, phù hợp hơn để tăng cường thời gian ngủ và bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ” – ông đề xuất.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Trường đại học Hồng Bàng) cho biết, giờ đến trường của Việt Nam sớm hơn so với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đa số các trường yêu cầu học sinh có mặt trong khung thời gian 6g45 đến 7g, tức là trẻ phải rời khỏi nhà trước 6g30.
Theo bà Phương Anh, ở Thái Lan, Singapore, Philippines, giờ học ở trường bắt đầu lúc 7g30 đến 8g. Gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) viết rất nhiều bài về ảnh hưởng của giấc ngủ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Vấn đề này quan trọng đến mức Singapore đã có điều luật quy định “các cơ sở giáo dục không được học trước 7g30”.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhận xét: “Việt Nam có nhiều lý do khiến giờ học không thể bắt đầu từ 8g. Tuy nhiên, với bất kỳ lý do gì thì theo tôi, giấc ngủ của học trò đang là một vấn đề rất lớn, cần được đưa ra bàn một cách nghiêm túc tại nghị trường Quốc hội bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ tương lai của đất nước”.
Nghiên cứu tác động xã hội để điều chỉnh giờ học
Việc quy định giờ học của học sinh liên quan đến nhiều yếu tố, như sức khỏe, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, đặc thù công việc của phụ huynh. Ở một số khu vực, phần đông phụ huynh là công nhân, phải đưa con đến trường rất sớm để kịp giờ làm. Nhiều cơ quan, công sở quy định giờ làm việc bắt đầu từ 7g30 nên nếu lùi giờ học đến 8g là không phù hợp.
Việc ấn định giờ vào học cần dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, thực tế các trường và đặc thù của từng khu vực, nên chưa thể có ngay câu trả lời đúng nhất. Tuy nhiên, việc một số trường tiểu học ở TPHCM bố trí thời gian vào học quá sớm là không nên bởi sẽ gây mệt mỏi cho học sinh nhỏ tuổi.
Hiện nay, các trường đã bố trí, sắp xếp kế hoạch giáo dục từ đầu năm học. Muốn thay đổi kế hoạch, phải đợi đến hết học kỳ I. Thay đổi bất kỳ khâu nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhà trường. Ở các cơ sở giáo dục tiểu học hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên có những trường chỉ tổ chức chương trình hai buổi cho khối lớp Một, Hai, Ba; các khối Bốn, Năm vẫn học một buổi. Với chương trình một buổi, vào học muộn sẽ gây nhiều khó khăn. Các trường THPT tổ chức học một buổi có thể bố trí giờ vào học sớm tùy tính toán và đặc điểm của từng trường.
Sắp tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM sẽ khảo sát, nghiên cứu tác động xã hội, các văn bản liên quan, đặc biệt là đặc điểm kinh tế, xã hội từng khu vực để có hướng dẫn cụ thể. Về cơ bản, chúng tôi sẽ đề nghị các trường không bố trí vào học trước 7g. Nhà trường có thể mở cửa đón học sinh sớm nhưng giờ vào học của học sinh không được quá sớm. Theo tôi, bậc tiểu học bắt đầu lúc 7g30, THCS và THPT lúc 7g là phù hợp.
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM
Quốc Ngọc – Nguồn: phunuonline.com.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...