GIÁO DỤC
“Chống-Oedipe và “Rhizom” (sự kết chuỗi)
Deleuze và Guattari (nhà phân tâm học) quen nhau năm 1970, cùng trải qua các sự kiện tháng 5.1968 và nhận ra rằng cái vô thức được quan sát và phân tích trong môi trường xã hội rộng lớn dễ dàng hơn là trong khung cảnh giả tạo trên giường bệnh theo kiểu Freud. Cả hai phê phán phân tâm học chủ yếu ở điểm nào? Đó là nó ngăn cản việc bệnh nhân nói ra một cái thoải mái, ngăn cản dòng chảy của ước muốn, mặc dù nó luôn khẳng định ngược lại. Trong thực tế, bộ máy phân tâm học đè nén các điều kiện của việc phát biểu đích thực. Bất kỳ điều gì bạn nói ra, lập tức bị kéo vào một guồng máy, một khung lý giải, và người bệnh không bao giờ có thể đạt được đến điều mình phải thực sự nói ra. Lý do: phương pháp phân tâm có sẵn một bộ mã, gọi là cái “tam giác gia đình” (Oedipe, mặc cảm thiến hoạn, khuôn khổ gia đình) làm công việc “Oedipe hóa” dưới sự giám sát của “ông tướng Freud”.
Hình tượng Oedipus cổ đại đã được Freud phát triển thành sơ đồ ba góc như sau:
Trong sơ đồ ấy không có chỗ cho sự “sản xuất”, “sáng tạo”. Khi không có sự sản xuất, sáng tạo thì chỉ còn lại biểu tượng: sân khấu, hình ảnh, dàn cảnh, thay vì hoạt trường của hành động. Oedipus có nghĩa: bị nhốt trong sân khấu gia đình, cắt đứt các dòng chảy ước muốn, kết thúc việc sản xuất, sáng tạo. Cái vô thức, vốn là một diễn trình, bị quy giản thành một cấu trúc. Vì lẽ, theo Deleuze và Guattari, Oedipus đã bị “thuộc địa hóa bằng những phương tiện khác, là thuộc địa nội tâm”.
Quan niệm về Oedipus gắn liền với khái niệm ước muốn. Từ Platon, ước muốn được đặt vào trong tính bất toàn của con người, như là sự khiếm khuyết, thiếu thốn cần được bù đắp. Freud tiếp thu quan niệm này của Platon và bổ sung thêm:
– diễn trường của ước muốn được đẩy vào trong cái vô thức, khi nó không thể có được sự thỏa mãn ở thời ấu thơ tiền-Oedipus. Oedipus hiện thân cho việc có ý thức về sự khiếm khuyết, bất toàn;
– vì sợ hãi không dám thực hiện ước muốn bị cấm đoán, cái vô thức lánh mình vào trong các hình thức hư ảo, huyễn tưởng: sự đè nén và thăng hoa;
– cái vô thức không biết đến luân lý. Ước muốn có thể tích cực (ước muốn được sống) hoặc tiêu cực (ước muốn chết, phá hoại v.v…). Cái tam giác tâm phân học được bổ sung thành:
Câu hỏi ngược của Deleuze và Guattari: ước muốn đâu có dính líu gì đến sự khiếm khuyết, thiếu thốn? Theo hai ông, ước muốn là một sức mạnh tự tồn, sáng tạo, năng sản. Sức mạnh hay lực ấy hành động, làm việc, lắp đặt trong hoạt trường của mình – tức trong cái vô thức -, nhất là, sản sinh ra cái thực tồn: thực tại xã hội, của cải, cách mạng chứ không phải những gì có tính tưởng tượng hay biểu trưng. “Sản xuất” là “việc thực hiện những thao tác hiện thực của ước muốn”.
Khi nói về “những dòng chảy của ước muốn”, thì dòng chảy (flux) có nghĩa là diễn trình hay hoạt động của ước muốn, là những thao tác hiện thực của nó. Các dòng chảy này mang hai đặc điểm cơ bản: thứ nhất, chúng có xu hướng uốn dòng, chảy lệch đi; và thứ hai, kết chuỗi, hợp lưu. Với đặc điểm thứ nhất, chúng không chỉ muốn chảy mà còn muốn tràn bờ. Đó là một tiến trình liên tục phá vỡ ranh giới, lãnh thổ, phi mã hóa, nói ngắn: sự giải phóng. Nhưng, cơ chế ước muốn ấy vấp phải cơ chế xã hội: nó quan hệ với những hệ thống xã hội theo kiểu vừa đối kháng, vừa bổ sung. Cơ chế xã hội có xu hướng ngăn chặn bớt sự tuôn trào, tái lập ranh giới và tái mã hóa. Phá vỡ ranh giới là vận động của Schizo (sự phân lập), còn tái lập ranh giới là vận động của Oedipus.
Với đặc điểm thứ hai, những ước muốn và những dòng chảy của ước muốn có xu hướng nối kết lại. Do xu hướng luôn nối kết, hợp lưu, nên ước muốn luôn có tính chất “cách mạng”. Khẩu hiệu đã trở thành thời thượng: hãy nối kết lại! Hãy tạo thành Rhizom, chống lại việc trở thành đơn lập, nguyên tử hóa! Rhizom là kết chuỗi (connexion), là đa thể, đa trung tâm (multiplicité, polycentrisme), là chữ “VÀ” (Schizo), đối lập lại với tuyến tính, lưỡng phân, toàn thể hóa (Oedipus). Schizo và Rhizom gắn liền với “chủ nghĩa du mục” (nomadisme), được hiểu như là cấu trúc cơ động, phi-tập trung hóa, không khác mấy với nghệ thuật chiến tranh du kích của các bộ lạc du mục chống lại bộ máy nhà nước chuyên chế. Cấp độ “vi mô” của cái vô thức được mở rộng ở cấp độ “vĩ mô” của những cấu hình xã hội rộng lớn hơn. Sơ đồ “gia đình Oedipus” được mở rộng thành:
Lĩnh vực của cái vô thức càng được mở rộng, mở ngỏ, các dòng chảy của ước muốn càng lưu chuyển tự do hơn, càng uốn dòng dễ hơn. Như thế, chủ thể không phải là một tính nhân cách được xác định cứng nhắc, mà chỉ được “khám phá từ những tình trạng mà nó nếm trải”. Nó có sự hợp lưu, kết chuỗi từ trong ra ngoài (Schizo) và từ ngoài vào trong (Oedipus). Chủ thể, do đó, là một vấn đề của diễn ngôn (discourse), và, thay vì nói về chủ thể, có thể nói đến những “kết chuỗi diễn ngôn tập thể” (agencements collectifs d’énociation).
Dưới mắt Deleuze và Guattari, Oedipus là biểu trưng của mọi thể chế và hình thức quan liêu. Các thể chế ấy sợ hãi sự ước muốn, luôn muốn tái lập ranh giới, tái mã hóa mọi dòng chảy của ước muốn. Ước muốn có thể đi đến chỗ phi-lý tính? Có thể là “cách mạng” (đúng như J. S. Mill nhận xét, người Pháp là một dân tộc đặc biệt yêu thích chữ “cách mạng”!) nhưng cũng có thể trở thành “phát xít” hay “vô chính phủ”? Hai tác giả chỉ trả lời: cần phải xuất phát từ bản tính tự nhiên của ước muốn: nó có tính cách mạng, hoạt năng, năng sản, vì nó “tạo nên một cái gì, còn hơn Oedipus không sáng tạo, không “tạo nên” một điều gì cả! Bao lâu những sự biến đổi “vi mô” ở bình diện vô thức và đời sống thường ngày không để cho mình bị xơ cứng thì những dòng chảy tiếp tục chảy, những kết nối tiếp tục đi tìm những kết nối mới và ta không bao giờ đã đi đủ xa…
Thay lời kết
Việc tiếp nhận Nietzsche ở Pháp (cũng như ở Ý và các nước Anh Mỹ) từ 1960 đến nay hoàn toàn gạt bỏ hình ảnh bị xuyên tạc về Nietzsche (như là triết gia biện hộ cho bạo lực, cho sự bất bình đẳng, thậm chí bị lý giải theo kiểu phát xít hay quốc xã). Họ đồng thanh không quan tâm hoặc không xem là đáng thảo luận về “hình ảnh” ấy. Trái lại, Nietzsche xuất hiện như là triết gia của sự tự do và của sự giải phóng tích cực. Chữ “tự do” ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa cá nhân, chủ thể mà còn trong toàn bộ kích thước chính trị-văn hóa của nó nữa. Trong viễn tượng ấy, trung tâm điểm của tư tưởng Nietzsche là triết học về một “việc vui hưởng sự khác biệt” (“jouissance de la différence) (Gilles Deleuze). Ta cũng nên lưu ý rằng chữ “jouissance” trong tiếng Pháp của Deleuze không ngụ ý một sự hưởng thụ” (như trong chữ Đức “Genuss” hay trong chữ Anh “joy”), cũng không theo nghĩa một tiến trình thụ động (như chữ Latinh “frui”). Đúng hơn, “jouissance” mang âm hưởng của một hoạt động căn nguyên chưa gắn liền với đối tượng, tức của một sự tự-tạo-ra-chính-mình và tự-mang-lại-thực-tại-cho-chính-mình. Nói cách khác, đó là một sự khẳng định tích cực của hành vi siêu nghiệm (transcendental) cấu tạo nên hiện thực hữu hạn, sống thực, tự quan hệ với chính mình. Dionysos, do đó, trở thành biểu tượng cho quyền lực “siêu nghiệm” của sự “tự tác tạo” (autopoiesis) tuy hữu hạn, nhưng sản sinh ra những hình thức mới mẻ và liên tục tự-cải biến cho đời sống cá nhân lẫn tập thể, đồng thời cũng tạo nên hình thức tư duy và cảm nhận tương ứng với những hình thức ấy của đời sống. Đó là lý do tại sao ở Pháp, triết học Nietzsche dễ dàng tương thông với tinh thần “tiền phong” về nghệ thuật và tư tưởng. Nietzsche, ở Pháp, không chỉ là một triết gia trường ốc, mà chủ yếu – như cách nói của Kant về triết học “hoàn vũ”/“conceptus cosmicus” – là nhà tư tưởng tác động và tham dự vào toàn bộ không gian văn hóa. Có thể nói rằng tư tưởng của Nietzsche mở ra một không gian ý nghĩa đầy tính xung đột và xung động mà triết học phải mạnh dạn bước vào, nếu không muốn trở thành một “viện bảo tàng” chỉ biết ghi nhận hay lý giải những cuộc tranh luận của các ngành khoa học khác.
Bản dịch Nietzsche và Triết học của TS Nguyễn Thị Từ Huy cho ta một cái nhìn về một mảng quan trọng, có tính tiền phong trong triết học Pháp hiện đại. Dịch phẩm này là một sự tiếp nối tự nhiên công trình “Alain Robbe-Grillet, Sự thật và diễn giải” (Luận án tiến sĩ văn chương Pháp tại Đại học Paris 7, 2009) của dịch giả, đồng thời mời gọi những công trình nghiên cứu và dịch thuật phong phú và đa dạng hơn nữa về lĩnh vực này trong tương lai.
Bùi Văn Nam Sơn – trích Lời giới thiệu sách “Nietzsche và triết học” – Gilles Deleuze và việc tiếp nhận Nietzsche
Đọc thêm: Nietzsche và Siêu hình học
Khoá học ngắn hạn « Triết học Deleuze » sẽ khai giảng vào 18h30, thứ năm, ngày 7/7/2022.
Thông tin chi tiết về khoá học ở đường link : Khóa học Triết học Deleuze
Chúng tôi sẽ nhận đăng ký đến 17h00 ngày 1/7/2022. Sau thời điểm này sẽ đóng link đăng ký.
Viện Social Life
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Năm 2021, 2 chị em Nupur Poharkar và Sharvari Poharkar đã thành lập PIRUL Handicrafts để sản xuất...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...