DÂN SINH
Công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ
SLO – Trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ em có vai trò rất quan trọng trong xây dựng thị trường lao động, việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân, nhất là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Công nhân lương thấp, khó khăn trong chăm sóc con cái
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tạo đà phát triển nhanh các khu công nghiệp, tập trung số lượng lớn công nhân lao động vào làm tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số công nhân lao động hiện nay có mức thu nhập thấp. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (4/2022) lương trung bình hằng tháng của công nhân là 5.097.000 đồng. Với mức thu nhập này người lao động không thể có điều kiện tốt để chăm sóc con cái.
Khảo sát trên cũng cho thấy, 31,3% con công nhân có chế độ ăn uống không đủ chất, thiếu dinh dưỡng. Chỉ 53,6% trẻ được hưởng bữa ăn có đủ những thực phẩm thiết yếu như thịt, rau xanh, hoa quả, sữa, đồ ăn vặt và 14,9% trẻ cách ngày mới được hưởng chế độ ăn uống như vậy. Việc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng xấu đến thể trạng, sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Công nhân lao động các khu công nghiệp với mức lương eo hẹp, luôn phải chi tiêu dè sẻn, dù muốn con cái mình được hưởng sự chăm sóc tốt nhất để có điều kiện phát triển toàn diện nhưng không thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Một nữ công nhân làm việc trong ngành Dệt may – da giày tại Đồng Nai cho biết: “Nếu mình làm được nhiều, tăng ca nhiều, thì có tiền cho con ăn đồ ngon, uống sữa ngoại, còn không thì chỉ uống sữa lon thôi!”.
Đáng chú ý, 54,2% con công nhân chưa được cha mẹ chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ. Chỉ 45,8% trẻ em được theo dõi sức khỏe định kì tương đối đầy đủ và chủ động. Nhiều trẻ chỉ khi ốm đau phát bệnh mới được cha mẹ đưa đi khám chữa và chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế. Trong khi đó, việc theo dõi sức khỏe định kỳ rất quan trọng với trẻ, giúp phát hiện và loại bỏ sớm các yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ gây bệnh cho trẻ.
Ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế, vấn đề ý thức của cha mẹ công nhân trong chăm sóc sức khỏe cho con trẻ cũng là lý do. Nhìn chung, con công nhân chịu nhiều thiệt thòi trong việc được theo dõi khám sức khỏe định kì.
Còn có tới 31% con công nhân ở nhà trọ dưới 15m2. Trong bối cảnh khoảng 60% công nhân khu công nghiệp chưa được hỗ trợ về nhà ở, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 39% nhu cầu, đa số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ để ở. Điều này dẫn đến nhiều trẻ em là con công nhân cũng phải chịu cảnh thiếu thốn chỗ ở, phải ở trọ cùng cha mẹ trong những phòng trọ chật hẹp.
Những phòng trọ dưới 15m2 đa số có chất lượng thấp, chật hẹp, xập xệ, thiếu ánh sáng, thiếu khoảng không. Cũng vì thu nhập thấp nên số lượng công nhân khu công nghiệp chấp nhận phải tìm thuê những phòng trọ dưới 15m2 là khá cao.
Thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học, ít được cha mẹ kèm cặp
Bên cạnh nhà ở, vấn đề nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường học, cho con em công nhân các khu công nghiệp cũng rất thiếu, không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, cho con đi học tại chỗ. Tại các khu công nghiệp hiện nay, hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, quy hoạch thường không có nhà trẻ (quy định pháp luật hiện cũng không cho phép xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo trong khu công nghiệp), trường học không có chỗ gửi con nên công nhân chỉ có hai cách: Một là gửi con về quê, nhờ ông bà chăm sóc cho ăn học; hai là chấp nhận gửi con ở những nhà trông trẻ tự phát do người dân quanh vùng tự mở, thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn chăm sóc, giáo dục trẻ cơ bản.
Việc giáo dục kiến thức, nhận thức cho con cái của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. 41,9% bận đi làm kiếm tiền; 38,1% điều kiện kinh tế eo hẹp, khó khăn; 21,8% không có nhiều kiến thức, kỹ năng; 20,4% cảm thấy mệt mỏi sau khi lao động dẫn đến công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc giáo dục kiến thức, nhận thức cho con em mình. Trong khi đó, trẻ em là độ tuổi rất cần sự quan tâm chăm sóc, cũng như giáo dục từ gia đình, nhất là từ cha mẹ để định hình tâm hồn và nhân cách. Tuy nhiên, vì các lý do chủ yếu như nêu trên mà một bộ phận trẻ em là con công nhân không nhận được sự quan tâm giáo dục cần thiết từ cha mẹ, việc giáo dục con cái vô tình “phó mặc” cho nhà trường và xã hội. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Các con sẽ lớn lên và phát triển như thế nào trong tương lai?
Ít cơ hội vui chơi, giải trí, vận động thể chất
Hoạt động vui chơi giải trí, vận động thể chất là nhu cầu chính đáng, góp phần quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về mặt xã hội, thể chất, tinh thần và nhận thức. Theo kết quả khảo sát, chỉ có khoảng 30% trẻ được tham gia khá đầy đủ các hoạt động vui chơi giải trí, còn lại có tới 70% số trẻ hiếm khi, hoặc thỉnh thoảng được tham gia các hoạt động này. Nguyên nhân chính, ngoài điều kiện ăn ở chật chội, khó khăn, công nhân còn bận đi làm, phải tăng ca thường xuyên, không sắp xếp được thời gian cho con tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, vận động thể chất, rèn luyện thể dục thể thao, hay hoạt động khám phá tham quan du lịch…Quá trình vận động vui chơi giải trí giúp trẻ có thể tiếp cận và học hỏi được nhiều điều từ thế giới xung quanh. Khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, trẻ không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn giúp hoàn thiện các kỹ năng sống tốt hơn. Trẻ em khó có thể phát triển toàn diện khi không được thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, không vận động nhiều có thể khiến trẻ mắc các bệnh như béo phì, kém phát triển về mặt thể chất; nghiện game, nghiện điện thoại, ít ra ngoài tiếp xúc với thế giới xung quanh có thể dẫn đến trẻ lười giao tiếp, ích kỷ, sống thu mình và vô cảm với mọi thứ xung quanh mình; không được vui chơi có thể làm cho tinh thần của trẻ mệt mỏi, căng thẳng không được giải tỏa khiến trẻ không thể tập trung…
Giải pháp mô hình chăm sóc, giáo dục con công nhân
Như trình bày ở trên, vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em là con công nhân khu công nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Để giải quyết vấn đề này, cần xác định cả những giải pháp trước mắt, cũng như phương hướng lâu dài.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành một đề án mới, nhằm tiếp nối những thành quả mà Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” theo Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014, đã đạt được. Sau 7 năm thực hiện Đề án, có hơn 2,9 triệu công nhân có con nhỏ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa bàn đề án (thuộc 20 tỉnh thành) được hướng dẫn, cung cấp kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng (trong đó, ông bố chiếm khoảng 20%), đạt 74,42% so với mục tiêu đề án đặt ra. Việc thực hiện mục tiêu này gặp nhiều khó khăn do số công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất luôn biến động hằng năm. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, công nhân lao động phải làm việc theo ca kíp, làm ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, có 1.119 nhóm trẻ được kiện toàn, phát triển mới, vượt chỉ tiêu 619 nhóm so với mục tiêu.
Về dài hạn, Quốc hội và Chính phủ cần điều chỉnh các chính sách về quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư khu công nghiệp, nhằm tăng tốc xây dựng nhà ở cho công nhân, đầu tư đồng bộ các thiết chế về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa tại địa bàn các khu công nghiệp. Điều này giúp công nhân lao động có điều kiện ổn định chỗ ở, cải thiện điều kiện, chất lượng nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ con cái, để họ có thể yên tâm công tác.
Lê Thị Huyền Trang – Nguồn: laodongcongdoan.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...