XÃ HỘI
Công nhân khốn đốn vì vướng bẫy Tín dụng đen
SLO – Khi những “dư âm” của đại dịch Covid-19 chưa nguôi ngoai, công nhân lại phải đối mặt với làn sóng mất việc, giảm giờ làm, cuộc sống của họ vốn khó khăn nay còn khổ sở trăm bề. Nhiều người bất đắc dĩ phải đi vay “tín dụng đen” và ngày càng bế tắc với món nợ tăng chóng mặt vì lãi suất “cắt cổ”.
Khó khăn chồng chất
Chị H. hớt hơ hớt hải chạy quanh xóm trọ ở xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) để hỏi vay tiền về lo cho mẹ chồng ở quê, vừa bị tai nạn giao thông đang chờ phẫu thuật. Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ thật ra chị H. cũng biết là khó vì xóm trọ này toàn công nhân như vợ chồng chị, đủ chi tiêu là may, lấy đâu ra tích lũy.
Lấy chồng năm 18 tuổi, lần lượt 2 đứa con chào đời, người mẹ trẻ chủ yếu ở nhà trông con và phụ giúp công việc đồng áng. Gia cảnh khó khăn, kinh tế hoàn toàn dựa vào mấy sào ruộng và tiền công phụ hồ ít ỏi của chồng.
Khi hai đứa con đi học mẫu giáo, vợ chồng chị bàn nhau gửi bà nội trông rồi dắt nhau lên Hà Nội làm công nhân lắp ráp điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng chị tính cả làm thêm giờ được khoảng 13 triệu, trừ các khoản chi phí sinh hoạt, họ gửi 3 triệu về quê nuôi 2 con ăn học.
Gần đây, đơn hàng ít, không còn được làm thêm, thu nhập của vợ chồng chị H. giảm đáng kể, phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Chồng chị quyết định bỏ việc, về chở hàng thuê cho đại lý đầu ngõ, thu nhập cũng không đều, nhưng ít nhất còn có chút đỉnh gửi về phụ mẹ chồng nuôi con. Mẹ chồng chị đã ngoài 70, nhẽ ra đến tuổi được nghỉ ngơi song mấy năm nay bà vẫn cố gắng chạy chợ, bán mớ rau con cá, phụ thêm cho con cháu.
Cực chẳng đã mới phải vay nóng
Thế rồi một buổi sáng gánh rau đến chợ, mẹ chồng chị H. bị tai nạn gãy xương đùi, chi phí phẫu thuật hàng chục triệu, chưa kể tiền thuốc men. Cực chẳng đã, chị phải đi vay mượn khắp nơi, bạn bè quanh xóm trọ đương nhiên không có, họ hàng thì ai cũng khó khăn.
Trong lúc đó, một người bạn giới thiệu chỗ vay nóng không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà. Chị đánh liều vay nóng 10 triệu, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày, thời hạn vay là 1 tháng. Định bụng, lo xong viện phí cho mẹ chồng, hai vợ chồng tập trung “cày cuốc” trả nợ đúng hạn. Nhưng tình hình việc làm khó khăn, đơn hàng ít, không còn được tăng ca nên thu nhập chị H. giảm còn một nửa. Món nợ kia vẫn đeo đẳng trên đầu chưa thể trả, lãi mẹ cứ thế đẻ lãi con.
Người có gia đình như chị H. với nhiều mối lo toan đã đành, một công nhân trẻ như bạn M. (20 tuổi) đang làm việc trong một khu công nghiệp ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng từng rơi vào trường hợp phải đi vay tín dụng đen để chi tiêu. M. cho biết, mức lương lao động phổ thông ở đây khá thấp, chỉ từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Công nhân cũng đều là những người lao động xa nhà, nên chi phí hằng tháng cho tiền thuê nhà, ăn uống là khá lớn. Đặc biệt ở độ tuổi lao động trẻ, rất dễ bị lôi kéo vào việc vay nợ. “Đôi khi sa đà vào những cuộc vui ăn uống với bạn bè, tiền lương bay vèo vèo”, M. cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu cá nhân một cách nhanh chóng, những công nhân như M. buộc phải đi vay nóng từ các tổ chức tín dụng đen. Tưởng rằng việc trả tiền gốc và lãi sẽ trong tầm kiểm soát, song trên thực tế lại không phải như vậy. Món nợ ngày càng lớn bởi lãi suất “cắt cổ” trong khi thu nhập vừa đủ chi tiêu ở mức tằn tiện, M. ngày càng chìm sâu trong nợ nần. Áp lực trả lãi khiến chàng trai trẻ stress kéo dài, tinh thần sa sút.
Ám ảnh mang tên “Tín dụng đen”
Đến hạn nhưng chưa có tiền trả nợ, chị H. trong câu chuyện ở trên bị chủ nợ gọi điện khủng bố, hăm dọa sẽ làm phiền cả người thân và lãnh đạo công ty. Chủ nợ còn lần ra số điện thoại của mẹ chồng chị để gọi đến chửi bới, bôi xấu chị vay tiền ăn chơi rồi “bùng”. Quá sợ hãi, mẹ chồng chị đành phải vay mượn họ hàng để giúp con dâu trả xong món nợ.
“Lúc đó mình như vừa đi qua cửa tử vậy, sự việc đã qua khá lâu rồi mà giờ mỗi lần kể lại mình vẫn còn ám ảnh”, chị H. chia sẻ.
Số liệu khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, có đến 53,2% người lao động đã từng vay tiền ít nhất một lần. Trong đó, nhiều người từng phải vay tín dụng đen với mức lãi suất cao từ 1.000 đến 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày trong điều kiện phải lựa chọn khoản vay kéo dài tối thiểu từ 1 đến trên 2 năm. Ngoài ra, vẫn còn các mức vay ngắn hạn nhưng lãi suất được tính cao hơn (từ 5.000 – 15.000 đồng/1 triệu/ngày trở lên).
Một thực tế mà công nhân vay nóng sẽ phải đối mặt là lãi mẹ nhanh chóng đẻ lãi con, khoản tiền vay biến thành cả cục nợ to, tưởng sẽ trả được trong vài tháng nhưng rồi có khi vài năm chưa trả hết nợ. Có công nhân không trả được nợ phải bỏ việc hoặc bị đuổi việc vì bên cho vay nặng lãi gọi điện đến văn phòng công ty khủng bố liên tục.
Ông Phạm Hữu Vũ, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần TASA Group (Phú Thọ) cũng là một trong những “nạn nhân” chịu ảnh hưởng từ việc vay tín dụng đen của một số công nhân tại công ty.
Ông Vũ chia sẻ: “Các đối tượng ngoài bôi nhọ người vay, còn xâm phạm đời tư, đe dọa lãnh đạo công ty, cán bộ công đoàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhiều lần bị khủng bố điện thoại, nhắn tin bất kể ngày đêm để yêu cầu gây sức ép với người lao động”.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, 3 năm qua, cơ quan này đã phát hiện, xử lý 2.740 vụ “tín dụng đen” với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân lao động.
Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, và Nhà nước đã chỉ đạo gói vay 2.000 tỷ dành cho công nhân lao động với lãi suất thấp, nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn cũng không dễ dàng do nhiều thủ tục cần xác nhận từ phía doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nhiều công nhân túng thiếu, khó tiếp cận khoản vay cá nhân từ ngân hàng, không được hỗ trợ ứng lương từ công ty, buộc phải tìm đến tín dụng đen như một sự cứu cánh, mặc dù họ biết đang tiếp tay cho việc làm phi pháp, và những hệ lụy mình sẽ gặp phải nếu không trả đúng hạn. Bởi vậy, công nhân cần một giải pháp hỗ trợ tài chính đúng lúc giúp họ chi trả những gánh nặng trước mắt với lãi suất phù hợp, thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận, phương án trả nợ khả thi để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.
Hồng Nhung, Hải Yến – Nguồn: laodongcongdoan.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Năm 2021, 2 chị em Nupur Poharkar và Sharvari Poharkar đã thành lập PIRUL Handicrafts để sản xuất...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...