Đề xuất được các chuyên gia nêu tại hội thảo về đảm bảo an sinh cho người lao động trước các rủi ro diễn ra ngày 10/6. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nói rằng nếu BHXH có chính sách hỗ trợ cho con của người lao động thì bắt buộc họ phải cân nhắc trước quyết định rút một lần, rời bỏ hệ thống an sinh.
Theo ông Đô, chính sách BHXH có sự tham gia của người lao động và chủ sử dụng lao động khối ngoài nhà nước bắt đầu từ năm 1995, đến nay đã gần 30 năm nên có tích lũy nhất định. Nhiều quỹ thuộc hệ thống đã kết dư số tiền rất lớn do đó việc tăng cường thêm các chính sách hỗ trợ cho người lao động là phù hợp.
Theo báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội do Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra hồi cuối tháng 10, hết năm 2020 tổng số kết dư của Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 953.000 tỷ đồng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế quốc dân, nói xu hướng trợ cấp cho trẻ em là con của người đóng BHXH được nhiều quốc gia thực hiện.
Điển hình như ở Nam Phi, ngân sách bảo hiểm hỗ trợ trẻ em giúp các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ có nguồn lực để tham gia BHXH. Thái Lan có quỹ an sinh xã hội hỗ trợ nuôi dưỡng tối đa hai trẻ em cho gia đình tham gia BHXH. Việc này giúp người lao động an tâm làm việc bởi con cái được chăm sóc tốt.
Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), người tham gia BHXH là công nhân gần như không có tích lũy. Một khảo sát được viện thực hiện mới đây chỉ ra 11% công nhân tháng nào cũng phải vay nợ, 36% thỉnh thoảng mượn bên ngoài trả các chi phí như nhà ở, nuôi con… Do đó, chính sách bảo hiểm trợ giúp con của người tham gia, đặc biệt người thu nhập thấp là cần thiết, giúp họ có động lực ở lại hệ thống an sinh.
Trước đó, trả lời VnExpress, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng để tạo niềm tin, giữ lao động ở lại hệ thống, chính sách BHXH tính đến việc giúp đỡ các thành viên trong gia đình của người tham gia là cần thiết. Nếu quỹ bảo hiểm hỗ trợ một đứa trẻ đến 18 tuổi, sau đó, người này đến tuổi lao động. Họ sẽ có 40 năm làm việc, đóng góp vào quỹ. Trường hợp người này sống 70-80 tuổi, tính ra tổng thời gian đóng vào vẫn có giá trị cao hơn khoản hỗ trợ.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người chọn “rút một cục”. Trung bình cứ hai người mới tham gia có một người rời hệ thống. Tuổi của lao động rút bảo hiểm một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH.
Tình trạng rút một lần tăng nhanh trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm có thể tạo nên nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ giúp xã hội cho người cao tuổi sau này. Mục tiêu của Nghị quyết 28 là 60% lao động được bao phủ BHXH khó thực hiện được.
Lê Tuyết
Xem bài viết gốc tại: Đề xuất BHXH hỗ trợ dài hạn con của người lao động (sociallife.vn)