Nhiều năm tham gia xây dựng luật và các chính sách liên quan đến lao động, ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói lương hưu thấp là hệ quả của quá trình dài người lao động đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương tối thiểu.
Theo đó, trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp xây dựng hai thang, bảng lương khác nhau. Một bảng với mức lương ngang bằng mức tối thiểu do nhà nước quy định dùng để đóng bảo hiểm, bảng còn lại mới là lương thực trả. Hệ quả, riêng TP HCM hiện có hơn 45.000 người (chiếm hơn 20% tổng số người nghỉ hưu tại địa bàn) nhận lương dưới 3,8 triệu đồng, thấp hơn mức chuẩn nghèo thành phố.
Khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành, khoản 2 Điều 89 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung. Nghị quyết 28 của Trung ương cũng nêu rõ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người đi làm có hợp đồng lao động phải bằng 70% thu nhập thực tế.
Ông Chính cho rằng nếu các quy định trên được thực thi nghiêm túc, số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm cao, sau này mức hưởng của lao động về hưu tốt hơn. Tuy nhiên thực tế không như kỳ vọng khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại hướng dẫn, ngoài lương cơ bản, phần thu nhập bổ sung có tính cố định mới phải đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó có ít nhất 15 khoản trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ không thuộc danh mục đóng bảo hiểm.
Theo ông Chính, các văn bản hướng dẫn về mức đóng cần thể hiện đúng tinh thần của luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu công dân nên việc liên thông giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội có thể giúp hiện thực hóa việc đóng bảo hiểm dựa trên mức thu nhập thực tế. Tức thu nhập cá nhân để quyết toán thuế sẽ được dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nguyên lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng một nguyên nhân khác giúp doanh nghiệp “chẻ” lương để đóng bảo hiểm thấp còn đến từ chính người lao động. Hiện, tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm là 32% tiền lương, trong đó công ty đóng 21,5%, người lao động nộp 10,5%. Nhiều người biết rõ doanh nghiệp lách luật nhưng đồng thuận vì thấy số tiền trích hàng tháng của mình thấp.
“Họ không hiểu rằng mình đang bị thiệt bởi toàn bộ số tiền doanh nghiệp đóng vào quỹ bảo hiểm về sau người lao động được hưởng hết”, ông Chính nói.
Đồng quan điểm, PSG.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng người lao động đồng thuận với việc doanh nghiệp “chẻ” lương để đóng bảo hiểm xã hội thấp là điều rất nguy hiểm. Người lao động cần nhận thức được để phối hợp các cơ quan thanh tra lao động, tạo sức ép để chủ doanh nghiệp đóng đúng, đủ dựa trên thu nhập thực tế.
Chuyên gia nói thêm hệ thống pháp luật, các chính sách liên quan bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện. “Tại sao doanh nghiệp rất sợ tội trốn thuế nhưng với bảo hiểm xã hội lại không”, ông Long đặt vấn đề và cho rằng bởi chế tài chưa đủ nặng. Ngay cả việc khởi kiện, xử lý hình sự tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được luật hóa nhưng nhiều năm qua không thực hiện được.
Trong khi đó, TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng gốc của vấn đề chính là quy định về lương tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng quy định tiền lương chi trả cho người lao động không được thấp hơn mức tối thiểu để xây dựng mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ trên mức lương tối thiểu vùng và không có “khoản bổ sung khác”. Nhiều doanh nghiệp làm thang, bảng lương để đóng bảo hiểm ở mức thấp nhất, bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động đã qua đào tạo nghề, 5-7% với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại.
Nhiều năm qua, lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống thấp nhất của người lao động thì khi về hưu họ càng gặp khó khăn khi với mức hưởng tối đa chỉ đến 75%, chưa kể mức trượt giá qua các năm. Nếu chính sách không thay đổi, viễn cảnh đại bộ phận công nhân tiếp tục nhận lương hưu dưới chuẩn nghèo.
“Muốn giải quyết tận gốc phải thay đổi cách tính để lương tối thiểu phải là lương đủ sống”, bà Lan nói. Tất cả chi phí về nhà ở, y tế, giáo dục… phải được tính theo giá thị trường và đưa vào lương chứ không phải trợ cấp.
Với tư cách là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, bà Lan cho biết lâu nay việc doanh nghiệp bám sát lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội đã không được hội đồng tính đến. Những kỳ họp tới, phía công đoàn sẽ đưa vấn đề này ra thương lượng, để công nhân không trở thành người nghèo khi về hưu.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), ngoài mức đóng, lương hưu còn phụ thuộc vào quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, chính sách bảo hiểm phải mở rộng độ bao phủ, tạo niềm tin để giữ lao động ở lại, tránh rút một lần làm giảm thời gian đóng.
Ông Lộc ví dụ khi lao động bị khủng hoảng, mất việc, cơ quan bảo hiểm xã hội phải có ngay một khoản hỗ trợ đảm bảo cho họ sống được. Hiện, trong nước có chính sách trợ cấp thất nghiệp nhưng mức hưởng khá thấp. Trong khi, ở một số nước, khoản trợ cấp này còn tính tới việc giúp đỡ các thành viên trong gia đình của người lao động để tăng tính hấp dẫn.
“Chính sách phải nhìn bức tranh tổng thể chứ không phải sòng phẳng giữa một công nhân với cơ quan bảo hiểm”, ông Lộc nói và cho rằng việc quá chú trọng nguyên tắc đóng – hưởng khiến quỹ thiếu tính tương trợ.
“Bảo hiểm xã hội phải là chỗ dựa vững chắc cho người tham gia trong suốt quá trình đóng chứ không phải chờ đến lúc nghỉ hưu”, TS Lộc nói. Việc đảm bảo các chính sách hỗ trợ lúc người lao động đang trong độ tuổi đi làm sẽ quyết định việc họ ở lại hay rời khỏi hệ thống an sinh.
Lê Tuyết
Xem bài viết gốc tại: Giải ‘bài toán’ lương hưu dưới chuẩn nghèo