KINH TẾ
Giằng co tăng lương ở nhà máy
SLO – Sau khi lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, nhiều nhà máy đưa ra phương án thương lượng, điều chỉnh mức mới, song không dễ đạt thỏa thuận với công nhân.
Khoảng 1.000 công nhân nhà máy Nidec Servo ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) đồng loạt ngừng việc vào ngày 25/8, yêu cầu ban giám đốc rút quyết định tăng lương mức 260.000 đồng cho tất cả lao động, xem xét lại đề xuất của công nhân. Người lao động yêu cầu tăng 6% cho người hưởng lương bậc một (đang hưởng 4,73 triệu đồng mỗi tháng), đối với các bậc cao hơn sẽ tăng theo phần trăm (%) tương ứng.
Đại diện công nhân tham gia ngừng việc giải thích công ty trả lương theo thời gian, có thang bảng lương. Công nhân làm lâu năm được hưởng bậc lương cao. Nhiều người thâm niên 10 năm, tùy vị trí, lương cơ bản mỗi tháng 8-9 triệu đồng. Nếu tăng theo tỷ lệ %, lao động ở bậc lương cao có lợi hơn. Các kỳ điều chỉnh lương trước đây, nhà máy thực hiện theo phương án này. Do đó, nhà máy tăng “cào bằng” 260.000 đồng khó đạt được đồng thuận của người lao động.
Trước đó, công đoàn công ty đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của toàn thể công nhân về phương án tăng lương. Kết quả 100% không đồng ý với mức tăng đồng đều 260.000 đồng. Tại cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp, hơn 70 người được công nhân cử đại diện tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, phía công ty sau đó thông báo điều chỉnh mức tăng như trên đến toàn thể người lao động.
Phía nhà máy giữ quan điểm dịch bệnh kéo dài, tài chính khó khăn nên không thể tăng lương như mọi năm. Đặc biệt Nidec Servo là một thành viên của Tập đoàn Nidec Nhật Bản nên phương án điều chỉnh lương phải theo tập đoàn. Trong khi đó, người lao động cho rằng công ty kêu lỗ nhưng không có bằng chứng rõ ràng, chưa kể nhiều khoản phúc lợi của công nhân như nghỉ mát, tất niên cũng bị cắt.
“Giá cả tăng cao, công nhân mong mỏi tăng lương từng ngày, bù đắp cho gần ba năm đứng yên. Mức 260.000 đồng không đủ đổ xăng trong khi còn cha mẹ già, con nhỏ, tiền ăn uống, học hành”, người đại diện cho công nhân nêu ý kiến.
Nhà máy Nidec Servo không phải là trường hợp duy nhất đến thời điểm này chưa chốt được phương án tăng lương sau khi Nghị định 38 điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022 có hiệu lực từ 1/7. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nói nhiều doanh nghiệp đang đàm phán mức tăng vì có những mâu thuẫn giữa lao động trực tiếp, gián tiếp, công nhân mới và thâm niên. Ngoài ra, giai đoạn này hoạt động sản xuất của các công ty chưa phục hồi hoàn toàn, gặp những khó khăn tài chính.
Khảo sát 6 tháng đầu năm của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM với hơn 5.000 doanh nghiệp sử dụng gần 113.000 lao động người, hơn 60% doanh nghiệp cho hay vẫn còn ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, trên 42% gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, gần 28% khó khăn về vốn, hơn 13% thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất, gần 17% cần hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và một số lý do khác.
Trong khi đó, công nhân gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao và hơn hai năm lương không tăng. Khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn hồi tháng 3 cho thấy với 2.000 công nhân được hỏi, 12% trong số này trả lời thường xuyên vay tiền chi tiêu; 35,5% vay tiền 3-4 lần mỗi tháng, số còn lại phải đi vay tiền 1-2 lần trong năm.
Theo TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, thực tế các kỳ điều chỉnh lương tối thiểu luôn xảy ra những bất ổn trong quan hệ lao động. Kỳ tăng năm nay phức tạp hơn vì thực hiện giữa năm, tức chi phí tăng lương 6 tháng cuối năm do doanh nghiệp “tự gánh”, không thể tính toán vào đơn hàng để thương lượng giá với khách hàng. Những doanh nghiệp lớn, tài chính vững mạnh có thể gồng gánh được, nhưng với nhóm vừa và nhỏ phải đi vay vốn, chờ tiền hàng… sẽ là thách thức buộc họ phải giảm thiểu mức tăng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp có vốn FDI nhưng sản xuất gia công là chính. Họ phải báo cáo lời lãi về tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Do đó các giám đốc điều hành phải cân đối việc tăng lương để đảm bảo biên độ lợi nhuận được giao.
Bà Chi cho hay trong câu chuyện của Nidec Servo, doanh nghiệp đưa ra mức tăng 260.000 đồng cho tất cả là “không sai so với quy định pháp luật”. Tuy nhiên, người lao động có quyền đòi tăng lương theo mức độ mong muốn. Thông qua hội nghị người lao động, công nhân đã ủy quyền cho công đoàn để thương lượng là chính danh và hoàn toàn hợp pháp.
Chủ tịch công đoàn công ty 100% vốn Nhật Bản nói gặp nhiều áp lực trong kỳ thương lượng tăng lương năm nay. Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia “chốt” đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng 2022, 8 hiệp hội ngành hàng trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất lùi đến 1/1/2023, nhưng không được xem xét. Vì vậy để giảm bớt chi phí cho các nhà máy đang khó khăn, các chủ doanh nghiệp thống nhất một mức tăng để công nhân không so bì.
“Chủ doanh nghiệp đã thống nhất với hiệp hội, công đoàn mang trọng trách công nhân giao, phương án tăng lương của nhà máy đến nay chưa chốt”, vị chủ tịch công đoàn lâu năm chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Đô cho biết để hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng tiền lương, Liên đoàn lao động thành phố đã chỉ đạo công đoàn cấp trên, cán bộ công đoàn chuyên trách công đoàn cơ sở xác định các nội dung thương lượng phù hợp pháp luật và điều kiện kinh tế của doanh nghiệp.
Theo Nghị định 38, từ ngày 1/7 lương tối thiểu vùng tăng 6%, tương đương 180.000 đến 260.000 đồng lần lượt mỗi vùng, sau hơn hai năm chưa điều chỉnh. Đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng (năm 2009), lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm như thường lệ. Đây là cơ sở để công đoàn thương lượng với doanh nghiệp để có phương án điều chỉnh lương cho người lao động.
Lê Tuyết – Nguồn: vnexpress.vn
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...