DÂN SINH
Giới trẻ bị mắc vào “bẫy” tiền lương khi chạy xe công nghệ
SLO – 21h, tắt app sau một ngày 14 tiếng, Tuấn Huy dắt xe vào nhà và nói với vợ về điều ước “có một ngày nghỉ phép giống như các bạn làm công sở”.
Huy, 27 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có 5 năm làm nghề xe ôm công nghệ than phiền về tình trạng khách ngày càng ít, cạnh tranh gay gắt. Nhiều ngày anh vẫn phải ra đường bất kể nắng mưa, không dám tắt app vì sợ bỏ lỡ một, hai khách.
“Có những hôm người sốt, đứng ngoài trời mưa gió tôi tự nhiên thấy tủi thân, chảy nước mắt vì không biết mọi thứ sẽ đi đến đâu”, Huy kể. Mỗi ngày với anh là một cuộc chiến giữa các tài xế, ngày không làm thì không có thu nhập. “Tôi bắt đầu thấy lạc lõng, chênh vênh vì cuộc đời mắc kẹt. Làm tiếp nghề này thì không ổn mà xin việc khác thì không được”, anh nói.
Chàng tài xế thừa nhận 5 năm trước anh đã vui vẻ cất tấm bằng cử nhân kinh tế để “xách xe ra đường” vì thấy mức lương 4-5 triệu đồng mỗi tháng các công ty trả cho sinh viên mới ra trường là quá rẻ mạt trong khi nếu chăm chỉ chạy xe ôm cũng có thể kiếm được 700.000 đồng mỗi ngày.
Làm được một năm, Huy có tiền đổi xe máy mới, một mình thuê trọ 2 triệu đồng thay vì ở ghép trong nhà cấp 4 tồi tàn như trước. Hai, ba năm sau, số cuốc của Huy giảm dần sau lần bác sĩ chẩn đoán anh bị thoát vị đĩa đệm do chạy xe nhiều và viêm loét dạ dày do sinh hoạt, ăn uống thất thường.
Không trợ cấp, không bảo hiểm y tế, kiếm tiền được ngoài chi cho sinh hoạt cá nhân, anh đổ hết vào mua thuốc. Ốm đau vẫn cố chạy, Huy thấy cuộc đời thật bất công khi có những lần bị khách đánh giá một sao và chửi mắng vì những lỗi nhỏ. Rồi những ngày mưa ngập, cố chạy vài tiếng kiếm được 300.000 đồng thì anh mất 500.000 đồng sửa xe, chưa kể đi về còn ốm mất mấy ngày. “Tôi nhận ra thứ mình có được mấy năm qua chỉ là đủ tiền trang trải qua ngày”, chàng trai 27 tuổi nói.
Đầu năm 2023, anh kết hôn và hiện tại con đầu lòng vừa tròn một tháng tuổi. Gia đình nhỏ giờ có ba người nhưng thu nhập của Huy vẫn thế thậm chí còn sụt giảm vì chiết khấu của ứng dụng tăng gấp đôi so với trước. Từng chọn công việc xe ôm vì linh hoạt thời gian làm nhưng suốt 5 năm qua, anh hiếm nghỉ ngơi dù chỉ một ngày.
“Tôi không còn sức lực khi ngày nào cũng làm liên tục như vậy, giờ dừng lại cũng chỉ biết làm bảo vệ, công nhân”, Huy nói và nhận thấy nhiều đồng nghiệp “cử nhân chạy xe ôm” cũng đang trong tình cảnh mắc kẹt giống mình.
Chưa có khảo sát nào về mong muốn đổi nghề của các tài xế công nghệ nhưng theo một nghiên cứu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, chỉ tính riêng một nền tảng xe công nghệ với khoảng 200.000 tài xế, 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) thực hiện với 400 tài xế công nghệ ở TP HCM cho kết quả 11% có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, 12% tài xế có trình độ đại học.
Trong khi đó thu nhập của tài xế ngày càng giảm. Ông Phạm Mi Sên, Phó chủ tịch nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân (TP HCM) cho biết nhiều người làm ngày đêm, không dám nghỉ ngơi, ăn ngủ trên xe mới đảm bảo được thu nhập sống được.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), lợi nhuận từ chạy xe công nghệ trong giai đoạn đầu khiến người trẻ rơi vào “bẫy” kỳ vọng thu nhập, làm càng nhiều thu nhập càng cao. Trên thực tế, số lượng tài xế ngày càng đông, nhu cầu khách hạn chế khiến nhiều người phải làm việc liên tục không ngừng để tránh rủi ro về kinh tế.
Ông cho biết, một số cử nhân sau tốt nghiệp chọn nghề tài xế công nghệ để làm tạm thời nhưng một khi đã làm, họ không có thời gian nghỉ ngơi, không tái tạo được sức lao động cũng như tri thức.
Theo ông Trần Thành Nam, hiệu phó trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học xong lựa chọn công việc dưới trình độ đào tạo để làm nghề kiếm sống như xe ôm công nghệ có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như định hướng nghề nghiệp không tốt, chọn chương trình học không phù hợp hoặc chưa nghiên cứu được nhu cầu của thị trường lao động.
Chuyên gia cho biết thêm, nhiều người trẻ thấy lợi trước mắt mà chạy theo, thay vì làm đúng chuyên ngành đào tạo để rèn luyện, có thêm kinh nghiệm, mối quan hệ thì đi làm xe ôm công nghệ, sau mười năm nữa thu nhập vẫn không đổi mà cơ hội thăng tiến nghề nghiệp không có.
Tốt nghiệp ngành Báo chí, Đức Mạnh, 23 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thấy các tòa soạn yêu cầu cao về chuyên môn, không đủ kiên nhẫn để học hỏi, thử việc không lương nên quyết định chạy xe ôm công nghệ. Hơn một năm sau anh nhận ra mình đã sai lầm. “Tôi hối hận khi thấy bản thân đang lãng phí thời gian, bào mòn sức lực mà không mang lại giá trị cho bản thân và xã hội”, Mạnh nói.
Dù kiến thức ngày đi học nửa nhớ nửa quên, kinh nghiệm chuyên môn không có nhưng Mạnh vẫn quyết tâm học lại. Anh trở lại trường nhờ thầy cô kết nối để một lần nữa được viết lách, được tìm lại đam mê của mình khi còn có thể.
Những ngày cuối năm, Tuấn Huy ở nhà tìm việc dù liên tục bị các công ty từ chối vì giao tiếp kém, năng lực chuyên môn không có. Anh nói sẽ quyết tâm nghỉ việc vì không thể cố. Căn bệnh dạ dày ngày càng trở nặng, có hôm phải nhập viện cấp cứu khiến anh lo lắng vì phía sau mình còn gia đình nhỏ. Nhìn các bác tài xế 60, 70 tuổi vẫn phải chật vật giao hàng, chở khách kiếm tiền đủ ăn ngày ba bữa, anh không dám tưởng tượng bản thân mười, hai mươi năm sau sẽ thế nào nếu còn làm nghề này.
“Tôi như tự đưa mình vào con đường bùn lầy không lối thoát, giờ chỉ biết tự học thêm, bồi đắp kỹ năng để sớm tìm lại được ánh sáng tương lai phía trước nhờ tri thức và ít nhất là làm gương cho con”, Huy tâm sự.
Thanh Nga – Nguồn: vnexpress.net
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...