DÂN SINH
Hành trình di cư ngược và những giấc mơ bị tổn thương
SLO – 1,3 triệu người miền Tây lên TP.HCM, Bình Dương làm công nhân để rồi nhận lấy giấc mơ tan vỡ. Họ mắc kẹt lay lắt giữa phố thị, ngoái về cố hương mà thắt lòng, nhìn thấy ruộng vườn, vuông tôm không thể trở về, mà đất khách thì giờ chẳng thể thành quê hương thứ 2.
Lần này, Hành trình phóng viên làm một cuộc “di cư ngược” để tìm hiểu rõ vì sao câu chuyện ly hương – ly nông của miền Tây lại nóng suốt 1 thập kỷ qua. Và làm sao để những cuộc hồi hương…không còn là nỗi niềm riêng.
Khi dòng sông không còn nước ngọt
Từ 300 năm trước, khi những lưu dân xuôi thuyền đến phương nam nơi hạ nguồn con sông Mê Kông mở cõi, các bậc tiền nhân đã chinh phục, khai hoang lập ấp để có một Cửu Long trù phú nhất Việt Nam. Miền Tây từng mệnh danh là xứ sở của lúa, gạo, tôm cá, trái cây của cả nước.
Thế nhưng 10 năm trở lại đây nắng mưa miền cố thổ trở nên thất thường, những dòng sông không còn được ngọt, vựa lúa, vựa tôm, vựa trái cây ấy đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Hành trình di cư và những giấc mơ bị thương
Đầu tháng 3, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chương nhà ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) một trong những người giữ được gen giống sầu riêng Cái Mơn trứ danh (G64). Gần mấy chục năm nay gia đình ông khấm khá nhờ mỗi năm “xuất khẩu” đi hàng ngàn cây giống sầu riêng khắp cả nước.
Thế nhưng đầu tháng 3 năm nay, ông Chương vẫn chưa dám vào cây giống vì tình hình hạn mặn năm nay đang diễn biến phức tạp.
Nước ngoài sông hôm nào độ mặn vượt 3 phần nghìn, thì thà để cây chịu “khát” chứ không thể bơm tưới. Mỗi lần mặn về, ăn sâu vào đất liền là cây lúa xám ngoét gục chết. Chôm chôm, sầu riêng dính mặn là cây lá tái mét mặt mày, lẳng lặng chết. Hạn mặn đi qua, ở lại lâu là để lại những vườn cây hoang tàn.
Người miền Tây mang nỗi ám ảnh hai mùa 2015-2016 và 2019-2020 khi nước mặn ăn sâu đến cả 100km ở đất liền.
Ông Chương nhớ lại: “Năm 2019 là nặng nhất, thử hỏi sầu riêng bây giờ 80-90.000/cây mà mỗi người có mười đến mười mấy ngàn cây trụi hết trơn, người ta không bán được xe đem đi đổ hết trơn. Vì mặn đột ngột quá, khổng có trở tay kịp.
Từ tháng Chạp đến tháng Tư, Năm mặn dữ lắm, người dân Chợ Lách này làm bông hoa kiểng xơ xác hết. Có người lỗ tiền tỷ, tiền nước tưới năm đó là hàng 100 triệu, rồi khoan giếng nữa nữa là 120 triệu mà tưới cây cũng chết luôn. Tiền vốn bỏ ra nặng lắm, ví dụ bây giờ mua 10.000 cây sầu riêng đến mấy trăm triệu rồi, lỡ nước mặn về tưới một cái là hư, lỗ trắng tay”.
Ông Đoàn Văn Đảnh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cũng thừa nhận rằng 2 đợt mặn 2015-2016 và 2019-2020 là nỗi ám ảnh của người dân xứ dừa. Sự thay đổi nhanh quá của độ mặn đã làm cho cây trồng vật nuôi bị thiệt hại nặng nề.
Tương tự, tỉnh Trà Vinh – một tỉnh nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, có 2 cửa biển Định An và Cổ Chiên cũng chịu rất nhiều nặng nề về tình trạng biến đổi hhí hậu, xâm nhập mặn. Hai đợt mặn nhất từ 2015 và 2020 Trà Vinh còn gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Đến cuối năm 2019 còn 8.662 hộ thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn. Đến thời điểm hạn mặn gay gắt nhất, giữa tháng 3/2020 phát sinh thêm 2.950 hộ thiếu nước. Tổng cộng số hộ thiếu nước do bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 11.612 hộ.
Các công trình cấp nước bị ảnh hưởng nằm trong vùng thường xuyên bị nhiễm mặn, các công trình nước mặt ở 15 công trình, giếng khoan hiện hữu không đủ cấp nước thô để xử lý.
Ông Diệp Như Bình, Chi Cục trưởng chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, thiên tai hạn hán xâm nhập mặn những năm qua gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất lúa, cây ăn trái cũng như nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
“Từ 2015 đến nay, tỉnh Trà Vinh chịu 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, cụ thể là mùa khô năm 2015 và năm 2019 -2020. Đợt hạn hán xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016, về cây lúa tổng thiệt hại là 29.833 ha/ 42.240 hộ, ước tính thiệt hại 1.130,54 tỷ đồng. Còn đợt hạn mặn năm 2019-2020 do mình cũng có chủ động, cho nên về mức độ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó có 919 tỷ đồng thiệt hại về cây lúa”.
TS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia biến đổi khí hậu lý giải rằng, ĐBSCL nằm ở phía cuối của lưu vực Mekong cho nên chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.
Thông thường, ĐBSCL bị rủi ro hạn mặn vào những năm mà thời tiết ở tình trạng El Nino, mưa ít thì mùa lũ sông Mekong thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mekong yếu.
Ngược lại, những năm nào có lượng mưa bình thường hay có hiện tượng La Nina gây mưa nhiều, nước sông Mekong dồi dào, mùa lũ cao thì thủy điện sẽ lấy bớt nước lũ trữ vào hồ và đợi đến mùa khô xả ra phát điện làm gia tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn ở ĐBSCL.
Ông Thiện nhấn mạnh về ký ức 2 mùa hạn mặn: “Chúng ta còn nhớ El Nino xảy ra vào mùa mưa 2015 làm cho lượng mưa trong lưu vực Mekong rất ít và mùa lũ 2015 rất thấp. Khi sang đến mùa khô 2016 thì sông Mekong rất yếu, khi đó thủy điện đã tích nước để phát điện gián đoạn, làm cho tình hình hạn-mặn ở ĐBSCL rất gay gắt và đã gây thiệt hại 160 ngàn ha lúa mùa khô ven biển. Điều đó chứng tỏ công trình ngăn mặn không có tác dụng nhiều trong những năm hạn mặn cực đoan như thế.
Đến mùa mưa 2019, hiện tượng El Nino cực đoan lặp lại một lần nữa, sang mùa khô 2020 hạn mặn lại gay gắt. Nhưng nhờ có kinh nghiệm lần trước, nên năm 2020 các tỉnh ven biển chủ động né vụ nên thiệt hại vào năm đó rất thấp so với năm 2016”.
Chuyên gia phân tích sâu thêm về hạn mặn ĐBSCL cần phải xét 2 vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng Bán đảo Cà Mau vì 2 vùng này rất khác nhau.
Vùng Cửa sông Cửu Long thì hạn-mặn chịu ảnh hưởng lượng nước từ thượng nguồn về. Những năm nào có hiện tượng thời tiết El Nino mưa ít thì sông yếu, thêm vào đó thủy điện thượng nguồn tích nước làm cho sông càng yếu hơn, làm cho mặn lấn sâu hơn.
Vùng bán đảo Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long. Lượng nước nơi này chủ yếu là do mưa. Ở vùng này, đất bên dưới là đất mặn, hàng năm có lớp nước mưa phủ lên bề mặt nên được 6 tháng ngọt nhưng khi sang mùa khô thì mặn vì hết nước ngọt.
Với người nông dân, đất nhiễm mặn thì không thể trồng cây trái; có trường hợp chuyển sang nuôi tôm. Song, đòi hỏi vốn và rủi ro cao. Dần dần, họ chọn di cư đi làm ăn sinh sống, ban đầu di cư theo kiểu “con thoi hai đầu đi về”. Rồi họ bắt đầu tụ cư “lập làng”. Bởi vậy, nên ngoài câu chuyện kinh tế thì câu chuyện về tập tính cũng ảnh hưởng đến việc di cư. Riêng ĐBSCL, trong khoảng 2 thập kỷ qua, thêm một vấn đề nữa thúc đẩy cho dòng người di cư nhiều hơn là vấn đề về biến đổi khí hậu, đặc biệt là ngập mặn. Trong chính sách, việc lựa chọn chiến lược thích ứng hay ứng phó cũng là điều cần phải bàn tới.
PGS.TS.Nguyễn Đức Lộc – Nhà nghiên cứu Nhân học và Xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (SocialLife Research Institute) nhận định : “Một khía cạnh chúng ta cần quan tâm đó là nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung vào cây lúa, mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng giá trị mang lại không cao.
Tôi đã từng phỏng vấn người dân ĐBSCL, một bài toán đơn giản đó là một công lúa (1.000 m2) sau mỗi vụ, trừ đi chi phí thì lãi 500.000, nhưng đối với người đi làm công nhân, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm cũng gửi được về nhà 2 triệu đồng (bằng 4 công lúa).”
ĐBSCL ở quá khứ vốn dĩ là vùng đất của nơi đến, có nhiều tài nguyên. Tuy nhiên, những thập kỷ qua người dân lại dần rời đi, ly nông –ly hương để tìm kế mưu sinh. Hạn mặn là thiên tai, khi thiên tai khốc liệt buộc những số phận yếu ớt trước thiên nhiên và độ thích ứng kém sẽ tìm cách “rời bỏ”. Cây lúa, vuông tôm, vườn trái cây không thể nào nuôi sống người nông dân, họ bị lực hút bởi những cụm, khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Ở đây, thu nhập và giá trị tạo ra của người di cư không những đủ trang trải cho cuộc sống bản thân mà còn gửi về quê nhà, làm gia tăng an sinh xã hội cho gia đình của mình.
Những hệ lụy từ túi chưa lao động – Câu chuyện về nhân tai
Trong 1, 3 triệu người đồng bằng xuất cư lên miền Đông kiếm sống, có bao nhiêu trở về, có bao nhiêu quay lại phố thị tiếp tục làm công nhân sau Covid-19. Họ lay lắt, mắc kẹt giữa những phòng trọ “hộp diêm”; bơ vơ trở về quê hương khi đất đai manh mún, và dòng sông tuổi thơ ngày xưa không còn ngọt nữa.
Tiến thoái lưỡng nan, số phận của hàng triệu công nhân trong làn sóng “sa thải” giảm việc đang là một chỉ dấu để chúng ta nhìn nhận lại câu chuyện chính sách chuyển dịch lao động. Trước nguy cơ vỡ bung túi chứa lao động khổng lồ.
Đầu quý 1 năm 2023, chứng kiến câu chuyện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam – một công ty có đến 60.000 công nhân đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 lao động. Dự kiến con số sẽ không dừng lại ở số này, và số công ty giảm lao động trước tình hình kinh tế khó khăn mỗi ngày tăng thêm.
Người lao động băn khoăn giữa Đi hay Ở – Ở lại hay Trở về? Sau đợt dịch Covid-19, đã có những người trở về, thất nghiệp, rồi lại phải quay lại thành phố. Họ bắt đầu bơ vơ trong cuộc mưu sinh.
Bà mẹ đơn thân Võ Thị Phượng 44 tuổi, nằm trong danh sách gần 2.400 công nhân bị cắt giảm. Lòng chị như lửa đốt khi phía sau chị là người mẹ già 70 tuổi ở quê, đứa con gái 17 tuổi vẫn chưa xin được làm. Tất cả giờ đây bám vào số tiền hỗ trợ mất việc và thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Mấy tháng nay chị đang cố gắng tìm việc nhưng vẫn chưa ra việc.
Đồng cảnh ngộ cắt giảm việc, chị Phạm Thị Ngọc Thắng 39 tuổi, cho rằng việc cắt giảm việc làm là bất đắc dĩ nên lặng lẽ bươn chải để lo cho gia đình. Hằng ngày chị vẫn làm giúp việc nhà để kiếm thêm vài trăm cùng chồng phụ nuôi hai con nhỏ ăn học.
Họ là những số phận điển hình cho những công nhân xuất cư lên thành phố làm việc. Giờ đây cắt giảm việc làm do không có đơn hàng, ra ngoài nhà máy họ làm tất cả các công việc để kiếm tiền. Song, tất cả cũng đang khốn đốn vì thu nhập đang rất bẩn chật trong việc bám trụ ở thành phố. Ai ai cũng trong trạng thái chờ rút bảo hiểm xã hội một lần để lo cho cuộc sống tương lai.
Nhiều năm qua khu vực miền Đông đã không tính toán hạ tầng công nghiệp, khu công nghiệp mới phải có hạ tầng xã hội đi kèm theo. Một khu công nghiệp phải tính độ giãn nở lớn đến đâu thì mới giải quyết được vấn đề. Ví dụ như khu lưu trú cho công nhân, khu y tế, giáo dục…. ngày áp lực.
Nếu hạ tầng phúc lợi chỉ tính toán cho cư dân tại chỗ mà không tính toán đến người nhập cư thì mọi thứ cứ phình ra, không chỉ làm mất cơ hội tiếp cận của người di cư mà người dân tại chỗ cũng nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết hiện nay ở TP.HCM lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi tính từ 15 tuổi trở lên là khoảng hơn 4,2 triệu lao động làm việc ở thành phần kinh tế. Theo thống kê đến tháng 3/2023 thành phố có khoảng hơn 2 triệu người/hơn 10,2 triệu người có nhân khẩu tạm trú.
Thời điểm dịch COVID-19 xảy ra có 300 ngàn người quay về địa phương, sau khi dịch kiểm soát lực lượng này đa số trở lại các cơ quan, công ty, nhà máy, xí nghiệp ở trên địa bàn thành phố. 17 khu chế xuất và công nghiệp của thành phố đã giải quyết hơn 350 ngàn lao động. Vị lãnh đạo Sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết thêm TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để kết nối lao động và doanh nghiệp, các dự án an sinh xã hội.
Tiếp tục tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để tạo điều kiện cho người lao động ở các địa phương đó họ gắn kết, tìm hiểu thông tin và kết nối được với các doanh nghiệp và đang làm việc ở khu vực TP.HCM để có việc làm ổn định, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố”, ông Lâm nói.
Hiện câu chuyện về nhà ở xã hội hỗ trợ lực lượng lao động thu nhập thấp và trung bình đang được các ban ngành chức năng tập trung. Trước mắt, thành phố triển khai xây dựng các khu nhà trọ, nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp. Ở các khu chế xuất, khu công nghiệp thì thành phố cũng có những chính sách xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo để tạo điều kiện cho công nhân có chỗ gửi con, cho cháu đi học, để tiện chăm sóc, khi mà hết ca làm việc.
Tương tự, Bình Dương cũng là trọng điểm tập trung các khu công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn lao động. Trong số 27 khu công nghiệp đang hoạt động, Bình Dương có khoảng 1,2 triệu lao động. Riêng lao động ngoại tỉnh chiếm đến 80% và làm ở các khu công nghiệp có hơn 500 ngàn người. Đa số lao động tỉnh đến từ các tỉnh miền Tây và miền Trung chiếm tỷ lệ cao.
Theo ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương: “Phần lớn lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương đều mang theo gia đình, con cái, ngoài nhu cầu rất lớn về nhà ở còn nhiều nhu cầu bức thiết khác như: chính sách an sinh xã hội, áp lực về giao thông, nhà ở, y tế; giáo dục, tình hình an ninh trật tự, đời sống văn hóa, tinh thần… đã đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho địa phương. Tuy nhiên, thách thức lớn cho Bình Dương đó là bẫy thu nhập trung bình đến sớm hơn các tỉnh thành khác, khi mà những lợi thế cạnh tranh trước đây của tỉnh này không còn”.
Ông Tuyên cũng chia sẻ hướng đi tương lai của Bình Dương nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tỉnh cần giảm các nhà máy thâm dụng lao động, thu hút các nhà máy ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, qua đó tăng thu nhập và đời sống của người dân…
Phải nói Bình Dương là một điểm sáng trong việc xây dựng Nhà ở xã hội cho công nhân, thu hút và giải quyết lượng lớn lao động.Trong giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Còn giai đoạn 2016-2020, có 17 dự án và 1 Đề án nhà ở xã hội đã được đầu tư với 1,33 triệu m2 sàn/2 triệu m2 sàn.
Mô hình chung cư nhà ở an sinh xã hội được bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động, kết hợp với các hình thức cho vay mua nhà với mức giá từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/1 căn hộ (30m² sàn) thu hút được hàng nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 600.000 phòng trọ cho thuê cũng đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1.481.196 người lao động.
PGS.TS.Nguyễn Đức Lộc – Nhà nghiên cứu Nhân học và Xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cho rằng, sau 30 năm nhìn lại câu chuyện phát triển, cần phải thay đổi về diễn ngôn phát triển: “Đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về sự phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta cần những “cú hích”, những “đầu tàu”, những khu vực trọng điểm kéo theo sự mất cân đối thì bây giờ chúng ta cần làm mới lại khái niệm trọng điểm. Trong các diễn ngôn về phát triển, 30 năm qua, chúng ta nhấn mạnh rất nhiều đến khái niệm: “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Dường như, nông nghiệp vốn bị bỏ rơi ở phía sau.
Nếu chỉ nhìn nhận nông nghiệp là an ninh lương thực thôi thì chưa đủ, phải tạo được giá trị cho người lao động trong khu vực và phát triển kinh tế. Cần nâng cao chuỗi giá trị và nâng cao chất lượng hạt gạo”.
Hiện, có xu hướng các nhà máy đầu tư về ĐBSCL nhưng chủ yếu vẫn là dệt may và da giày (lao động giá rẻ). Vậy thì 10 năm nữa thôi, sẽ lại loay hoay đi giải quyết vấn đề tương tự của TP.HCM và Bình Dương.
Các số liệu cho thấy, những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở phân khúc gia công và không cần bất cứ kỹ năng nghề nghiệp gì. Các khảo sát cũng chỉ ra gần 70% doanh nghiệp không cần bất cứ yêu cầu gì với người lao động kể cả vấn đề học vấn. Như vậy, doanh nghiệp rất dễ tuyển dụng nhưng rủi ro cũng rất cao. Một trong những lợi thế của người lao động là sức khoẻ.
Nhưng 30 năm sau, họ cũng đã lớn tuổi, tạo ra một khoảng cách chưa đến tuổi về hưu nhưng không còn sức để cạnh tranh trên thị trường. Cộng với các chính sách về tiền lương, lương cơ bản, sau đó là tăng ca-tăng thu nhập làm cho người lao động lao vào một vòng xoáy mưu sinh, không còn thời gian để nghỉ ngơi. Khi khủng hoảng xảy ra, người lao động gần như kiệt quệ.
Có những vấn đề muốn giải quyết thì phải dỡ toàn bộ câu chuyện cũ thì mới giải quyết được. Nó giống như chiếc cúc áo, mình đã cài lộn cúc đầu tiên, bây giờ phải gỡ ra cài lại từ đầu. Nên câu chuyện giải quyết túi chứa lao động gây áp lực lên an sinh xã hội đã bàn cả hơn chục năm về trước, bây giờ vẫn loay hoay là vậy.
Làm sao sống được ở quê: Bỏ phố về làng có phải đang ngược dòng?
ĐBSCL đang ở ngã ba đường, từ nghị quyết “Thuận Thiên” 120 và mới đây Nghị Quyết 13 Bộ Chính trị đang hướng miền Tây đi đúng con đường phù hợp, vượt qua thách thức và hướng tới tương lai thịnh vượng. Để mỗi ngày có thêm nhiều trí thức bỏ phố về quê theo đuổi khát vọng làm giàu, cống hiến trên chính quê hương. Để 1,3 triệu người đã rời bỏ ruộng vườn, làng quê có một cuộc “di cư ngược” thuận dòng, sống được ở làng, không ly nông và cũng không ly hương thay vì tha hương nơi phố thị.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, Đồng bằng Sông Cửu muốn “cất cánh” phải khơi thông, đột phá ở 3 yếu tố: Hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và phát triển nguồn nhân lực.
Theo chuyên gia về ĐBSCL – TS. Trần Hữu Hiệp, muốn phát triển vùng thì phải khơi thông điểm nghẽn, phát triển hạ tầng giao thông là đặc biệt quan trọng, có tính chất đi trước mở đường và đặc biệt tạo ra không gian phát triển mới, cũng như giảm đi chi phí về vận tải.
Điều đáng mừng là trong Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ xác định rất rõ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng này.
Trong đó xác định: phát triển hệ thống giao thông vận tải đa phương thức, kết nối liên vùng và quốc tế.
“Mục tiêu cụ thể xác định đến năm 2030 thì vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc và khoảng 4000 km đường quốc lộ; xây dựng, nâng cấp, tiếp tục phát huy 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa Tất nhiên với định hướng đưa vào quy hoạch, xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ thì cũng bổ sung một phương thức giao thông vắng bóng ở vùng này”, TS. Trần Hữu Hiệp nói.
Cùng với yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông thì phát triển nguồn nhân lực cũng xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển vùng. Trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực của ĐBSCL được đánh giá là một vùng “trũng”.
TS. Trần Hữu Hiệp phân tích: “Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở ĐBSCL còn rất thấp, chưa tới 15 %. Trong khi đó, Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch ĐBSCL, đề ra mục tiêu đến năm 2030, vùng sẽ tăng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 65%, từ 15 % mà lên 65 %. Đó là một thách thức rất lớn, trong khi chúng ta đang đứng ở năm 2023, như vậy có nghĩa là còn khoảng 7 năm nữa”
Trong khi nguồn nhân lực của không chỉ yếu kém về tỷ lệ lao động có chất lượng, tức là được đào tạo ở những tầng. Ví dụ như so sánh những chỉ tiêu về sinh viên trên một vạn dân; hay là nguồn nhân lực được đào tạo kỹ năng nghề tốt vẫn còn thấp kém so với các vùng miền.
Nếu không phát triển được mảng đào tạo thì nguồn nhân lực tiếp tục với tình trạng xuất cư tự do đến các vùng miền khác và đời sống sẽ bấp bênh. Nhìn ở góc độ phát triển vùng thì ta thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho phát triển.
Vấn đề thiếu hụt nhân lực cho phát triển kinh tế nhiều địa phương đã nhìn nhận và cũng bắt tay vào với nhiều giải pháp.
Theo bà Nguyễn Hoàng Minh Thư- Trưởng Phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang), An Giang là tỉnh có dân số đông nhưng là tỉnh thuần nông. Theo số liệu Thống kê trong giai đoạn từ 2016 đến nay thì tỷ lệ xuất cư bình quân hàng năm tỉnh An Giang khoảng 1%.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại An Giang giảm qua từng năm. Có thể thấy lao động di cư thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận được với các chính sách về an sinh xã hội. Thời gian qua, tỉnh An Giang có nhiều chủ trương hỗ trợ người lao động tìm được việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và triển khai thực hiện một số giải pháp.
Bà Thư chia sẻ: “Duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để thu hút lao động tại chỗ; đồng thời quan tâm việc hình thành và phát triển các ngành nghề mới, làng nghề mới. Hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt là đào tạo nghề nghiệp) đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói chung, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nói riêng”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Việc làm & Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu tỉnh Trà Vinh đào tạo bình quân trên 19.000 người và giải quyết việc làm hằng năm trên 23.000 lao động.
“Số lao động khi quay về địa phương đang được chúng tôi phân loại nhu cầu, trong đó cũng kết hợp phân loại nhu cầu đào tạo nghề cho họ. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai ba cái chương trình mục tiêu quốc gia, mà trong đó có 1 mô-đun hỗ trợ đào tạo cho người lao động và tỉnh cũng có một cái đề án để đào tạo cho cái lao động làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh phí nhà nước hỗ trợ.
Nếu mà họ làm những ngành nghề không đúng sở trường của họ trước đây thì chúng tôi sẽ phối hợp để đào tạo nghề lại cho họ. Bên cạnh đó cũng làm việc với doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ cho họ đào tạo nghề để làm sao mà tuyển dụng và đào tạo để đúng cái vị trí việc làm được bố trí trong doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết.
Chính sách, hạ tầng đang dần hoàn thiện, nhân lực đang được thu hút đã được đặt ra. Không còn con đường nào khác chính là tạo một môi trường bền vững để ĐB sông Cửu Long thịnh vượng trở lại. Những điểm sáng, điểm tích cực cho thấy con người Miền Tây đã thích ứng với biến đổi khí hậu, biết sống thuận thiên. Và nhiều tri thức đã “bỏ phố về làng” để khởi nghiệp, cùng người dân bản địa nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương, không ly nông và cũng không ly hương.
Trường hợp anh Phạm Đình Ngãi ở Trà Vinh là một điển hình đặc biệt. Sau thời gian học tập sinh sống ở TP.HCM, anh cùng vợ trở về huyện Tiểu Cần gầy dựng nông nghiệp hữu cơ với tên công ty là Sokfarm.
Bằng khát vọng mang lại hạnh phúc cho bà con quê hương, sản phẩm mật hoa dừa đã bán được ở thị trường Nhật và Hà Lan, đồng thời việc xuất khẩu sản phẩm đã giúp 38 lao động ở công xưởng và 35 hộ dân có thêm thu nhập mà không phải rời quê.
Ban đầu chàng trai và đồng đội nghĩ rằng mình đang đi ngược dòng chảy của thời đại, song sau 3,5 năm khởi nghiệp chứng minh hành trình này là xuôi dòng. Việc khai thác lợi thế trên mảnh đất quê hương tạo ra sự gia tăng giá trị sản phẩm mà có tính bản địa, hợp với thời buổi kinh tế là một hướng đi thuận dòng.
Anh Ngãi chia sẻ: “Tự hào nhất là tạo ra hai chữ nông nghiệp Hạnh Phúc, tạo ra chuỗi giá trị, hướng đi mới cho vùng dừa mà thích ứng với biến đổi khí hậu. Nó mang lại sự hạnh phúc và sự tự hào cho những người nông dân, khi người ta biết những sản vật địa phương của họ sản xuất được bán trong nước và xuất khẩu.
Mình cũng mang lại sự tự hào và hạnh phúc cho người trẻ giống Ngãi. Hầu như team sản xuất, nhà máy đều là người trẻ đi học nơi khác về cùng lập nên team Sokfarm để chiến đấu. Cuối cùng là thực hiện được thật sự là nông nghiệp hạnh phúc, giá trị cốt lõi ban đầu mà tất cả theo đuổi”.
Cũng là người con miền Tây đi lên từ nghèo khó có cơ hội ra nước ngoài học tập, TS Nguyễn Thanh Mỹ là một tri thức từ nước ngoài trở về quê hương khởi nghiệp sau khi nghỉ hưu. Từ thực tế câu chuyện hạn mặn khốc liệt năm 2016, ông cùng những kỹ sư trẻ chế tạo ra trạm quan trắc cảnh báo hạn mặn ở các cửa sông, biển giúp bà con ứng phó với xâm nhập mặn canh tác hiệu quả.
Từ đó, thành lập doanh nghiệp tập đoàn Mỹ Lan (Raynan) và gắn bó quê hương tạo lập việc làm cho bà con bản địa với một tiêu chuẩn hiện đại và khoa học.
TS Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: “Nếu như tôi không mang được tất cả những người trẻ ở Việt Nam này qua Canada thì tôi sẽ mang Canada về đây, thì tập đoàn Mỹ Lan cũng như Raynan mang cái tiêu chuẩn Canada thu nhỏ về Trà Vinh. Hy vọng là các người trẻ, các nhân viên của tôi có cơ hội và có một cuộc sống khá hơn.
Ở Việt Nam mạng 3G-4G đã bao phủ cả trên cả nước, chỗ nào cũng có rồi, người nông dân mình bây giờ tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh khá nhiều. Đó là thuận lợi trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 cho nông nghiệp. Vài năm nữa ta ra ruộng sẽ thấy rất nhiều thiết bị kết nối internet kết nối vạn vật hỗ trợ sản xuất”.
Chính sách xây dựng vùng kinh tế trọng điểm tạo ra cú hích nhưng cho thấy sự mất cân bằng về phát triển; mất cân bằng giữa mức sống ở vùng nông thôn-đô thị. Các vùng kinh tế trọng điểm trở thành “lực hút” của dòng người di cư trong khoảng 30 năm nay.
Một trong những yêu cầu đặt ra với những nhà làm chính sách đó là đảm bảo về mặt sinh tồn cho người nông dân. Chính vì thế, cần có sự tính toán để ĐBSCL tận dụng được các lợi thế của mình. Biến đổi khí hậu không phải là nguyên chính của di dân, nhưng là nguyên nhân thúc đẩy sự di dân gia tăng nhanh hơn.
Vì vậy, những chiến lược chính sách đề ra đúng đắn phải nhanh chóng hành động, rút ngắn thời gian để ĐBSCL thức giấc, 1,3 triệu người đồng bằng xuất cư có cuộc hồi hương …không chỉ là nỗi niềm riêng. Họ – phải hạnh phúc trên chính quê hương, nơi – dòng sông, cánh đồng mà nuôi họ lớn lên.
ĐBSCL cần thời gian để vượt qua thách thức để đi đến tương lai thịnh vượng.
Phan Nhơn, Hồng Lĩnh – Nguồn: vovgiaothong.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...