GIÁO DỤC
Ngành học “thời thượng” cung không đủ cầu
SLO – Khi mới thành lập, bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM được xem là khá lạ. Đến nay, nhiều chuyên gia cho biết ngành học lạ này đã trở thành ngành “thời thượng”, đang khan hiếm nhân lực, cung không đủ cầu.
Nhu cầu nhân lực lớn
20 năm trước, nhìn thấy nhu cầu xã hội về đội ngũ nhân sự gắn với sự phát triển của đô thị, tiến sĩ Đinh Quang Diệp – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Trường đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM – đã mạnh dạn đề xuất ban giám hiệu và tháng 8/2002, bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên được thành lập. Bấy giờ, đây được xem là ngành học mới, lạ và tiên phong ở phía Nam, nhằm đào tạo kỹ sư thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch, thiết kế, thi công cảnh quan, sân vườn đô thị, quản lý và bảo tồn cảnh quan, các vấn đề kỹ thuật của ngành cây xanh, hoa viên…
Nhiều chuyên gia nhận định đây là ngành học “thời thượng”, đáp ứng sự phát triển và đầu tư mạnh mẽ của hạ tầng kiến trúc đô thị, do đó luôn trong tình trạng khát nhân lực. Theo ông Phạm Văn Hiếu – nguyên Phó giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM – nhân sự từ bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã phối hợp và hỗ trợ công ty rất nhiều về chuyên môn. Đơn cử, hỗ trợ chọn chủng loại cây trồng, cây bảo tồn, cây hạn chế trồng trên đường phố hay tư vấn các ý tưởng thiết kế hội hoa xuân và một số công trình do công ty làm chủ đầu tư như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hằng năm, công ty đều tuyển dụng một số kỹ sư, ưu tiên ngành học này làm việc.
Tốt nghiệp ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên năm 2010, anh Đỗ Văn Thanh chỉ đi làm thuê một năm cho các công trình thi công cảnh quan. Lúc này, thị trường bất động sản tại TP.HCM sôi động với rất nhiều dự án xây dựng nhà ở, biệt thự, nhu cầu thi công cảnh quan rất lớn. Nắm bắt tiềm năng và được nhiều chủ đầu tư đặt hàng, năm 2011, anh thành lập Công ty cổ phần Cảnh quan cây xanh Sài Gòn và hoạt động đến nay.
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM – cho rằng, nhu cầu thiết kế kiến trúc cảnh quan cho các dự án khu đô thị, khu dân cư đã, đang và còn gia tăng. Ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên đang rất thiếu nhân lực. Một số doanh nghiệp lớn về kiến trúc, cảnh quan và quy hoạch phát triển đô thị đã đặt hàng và hằng năm đều đề nghị tuyển dụng hàng trăm nhân sự ngành này.
Bài toán “đầu vào”
Đến nay, trường đã có 1.167 sinh viên tốt nghiệp ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Đình Lý thừa nhận, con số này là không nhiều sau ngần ấy năm đào tạo. Ông lý giải: “Phải đến năm 2006, những kỹ sư đầu tiên của ngành mới tốt nghiệp và từng bước khẳng định chỗ đứng trong thị trường lao động nên xã hội chưa hiểu sâu về ngành, chưa có thông tin chính xác về nhu cầu lao động của ngành”. Bên cạnh đó, một thời gian, ngành đổi tên thành công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, do danh mục mã ngành cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự điều chỉnh dẫn đến xã hội, thị trường lao động “hiểu lầm” về bản chất của lĩnh vực, tác động không nhỏ đến “đầu vào”. Từ năm 2020, với cơ chế tự chủ trong mở ngành và đào tạo, ngành được trở lại đúng tên gọi.
Sinh viên năm thứ tư Nguyễn Ly Na cho biết, hiện đang thực tập tại một công ty chuyên về thiết kế, thi công và bảo dưỡng cảnh quan. Ly Na đến với ngành học này là do gia đình định hướng, vì có người quen làm trong lĩnh vực này. Thoạt đầu, Ly Na khá ngại khi nói với bạn bè về ngành học của mình. “Họ thường hình dung khi tốt nghiệp ngành này em sẽ thành… nông dân, đi trồng cây cảnh. Nhưng càng học, em càng yêu và tự hào về tính chất, giá trị nghề mang lại” – Ly Na nói.
Hơn 10 năm bám nghề, anh Đỗ Văn Thanh càng thấy hạnh phúc bởi giá trị công việc mình đang theo đuổi. Anh kể, không ít chủ đầu tư đang mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt với nhiều áp lực trong cuộc sống. Nhưng vừa nhìn thấy hoa viên, một khoảng xanh nơi đang sống, làm việc, họ lập tức… dịu lại. Theo anh, phải hiểu đúng ngành học, lĩnh vực phục vụ và có đam mê sáng tạo, hướng đến cái đẹp, sinh viên mới lựa chọn ngành này, sau đó là gắn bó với nghề.
Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê – Trưởng bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên – cũng cho rằng, cái khó của ngành học này là đòi hỏi sinh viên phải có tình yêu thiên nhiên, ham học hỏi, yêu cái đẹp, thích sáng tạo…
Ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên không phải là ngành nông học hay lâm nghiệp, cũng không phải thiết kế kiến trúc mà là ngành có sự giao thoa giữa các lĩnh vực trên. “Theo học ngành này, sinh viên được trang bị năng lực quản lý cũng như kỹ năng làm việc nhóm; đàm phán và thuyết trình ý tưởng thiết kế, thi công với chủ đầu tư; khả năng linh hoạt sáng tạo trong công việc bên cạnh các kiến thức về quy hoạch, thiết kế, thi công và bảo dưỡng cảnh quan” – thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê cho hay.
Tuyết Dân – Nguồn: phunuonline.com.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...