DÂN SINH
Người lao động cận Tết: Người “ngay ngáy” nỗi lo cắt giảm, kẻ lo vé về quê sớm
SLO – Trong khi nhu cầu lao động phổ thông tăng vào dịp cuối năm, thì người lao động một số lĩnh vực lại lo ‘ngay ngáy’ vì sợ tình trạng cắt giảm nhân sự. Một số lao động đã chọn cách về quê sớm để giảm bớt ‘thiệt hại’ khi thu nhập thấp, giá vé cận Tết cao.
Về quê ăn Tết sớm vì thu nhập giảm sút
Từ thời điểm này, gia đình chị Lê Thị Thúy Đào (35 tuổi), công nhân ngành dệt may ở Bến Cát, Bình Dương đã lục tục tìm đường về quê ăn Tết. Hai vợ chồng chị cùng quê Nghệ An, làm công nhân tại khu vực Bình Dương đã gần 10 năm, chuyển qua vài công ty. Họ thuê một phòng trọ nhỏ để sống cùng hai con, mức lương trung bình thời điểm ổn định của cả hai vợ chồng là 14 triệu đồng, bao gồm tăng ca, thưởng.
Tuy nhiên, từ nửa năm nay, công ty của anh Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi), chồng chị Đào đã giảm lượng việc khiến thu nhập của anh chỉ còn hơn một nửa so với trước. Chị Đào lại bị công ty cắt giảm nhân sự nên mất việc. Cả hai cho biết, họ cố gắng cầm cự mấy tháng trời để chờ thời điểm cuối năm may ra có tăng ca, tăng thu nhập, có thêm thưởng để ăn Tết. Tuy nhiên, đến giờ này tình hình vẫn không khá hơn nên cả hai quyết định nghỉ việc, về quê trước Tết 1,5 tháng.
Không chỉ gia đình chị Đào mà một số công nhân đang làm việc tại một số công ty, xưởng hoạt động không hiệu quả cũng lựa chọn cách về sớm. Bởi theo họ, nếu trước Tết mà đơn hàng không nhiều thì có chờ đợi đến Tết cũng vẫn thế, mức giá tàu xe về quê thì càng cận Tết càng cao. Hơn nữa, qua Tết càng là thời điểm thu nhập thấp, nhiều người quyết định sẽ ở quê một thời gian sau đó vào xin việc ở công ty mới. Những công nhân đang làm việc ở các công ty hoạt động hiệu quả, có đơn hàng dịp Tết mới yên tâm ở lại làm việc cho đến cận Tết hoặc qua Tết.
Anh Phan Văn Bảo (28 tuổi, quê Phú Yên, đang làm công nhân tại Tân Uyên, Bình Dương) thì quyết định nghỉ việc, gia nhập vào đội ngũ xe ôm công nghệ, nhận giao hàng thuê dịp cận Tết ở TP Hồ Chí Minh. Theo anh Bảo, anh làm công nhân công ty chuyên về cơ khí nhưng cả năm nay thu nhập sụt giảm, mỗi tháng lương chỉ còn 3 – 4 triệu đồng, không đủ sống mà còn có nguy cơ bị cắt giảm trong đợt này. Nhiều bạn bè anh cũng từng làm công nhân ra ngoài làm shipper kiếm sống, tuy vất vả, dầm mưa dãi nắng nhưng thu nhập tốt hơn. Tết này, anh Bảo chọn ở lại TP Hồ Chí Minh để làm xuyên Tết. Sau Tết lượng việc ít hơn, anh sẽ về quê ăn Tết muộn.
Nỗi lo cắt nhân sự, giảm thu nhập
Mối lo cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập không chỉ giới hạn trong đối tượng công nhân, người lao động thu nhập thấp. Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, giới văn phòng cũng chứng kiến không ít đợt cắt giảm nhân sự, cắt giảm thu nhập. Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thời trang, truyền thông, xuất nhập khẩu… đã đứng trước nguy cơ “sống còn” khi tình hình kinh doanh sa sút, nhiều công ty chỉ còn hoạt động cầm cự. Một số doanh nghiệp đã phải trải qua đợt cắt giảm nhân sự đến lần thứ 3. Thậm chí, một doanh nghiệp nhập khẩu nội thất có tiếng “ăn nên làm ra” ở TP Hồ Chí Minh nay đã phải cho người lao động giảm thời gian làm việc, mỗi tuần chỉ đi làm một ngày để khỏi phải cắt giảm nhân sự, nhưng mức thu nhập của nhân viên công ty chỉ còn 1/4 so với trước kia.
Theo thống kê, chỉ riêng tháng 10, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã tiếp nhận hơn 12.200 người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, gần 128.500 người làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 9% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, gần 25.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dừng hoạt động, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Đó là những con số nói lên thực tế đáng lo ngại: người lao động đang đối diện với nguy cơ mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập để sinh sống.
Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang cho biết, để hỗ trợ người lao động trước thực trạng khó khăn trước mắt, thành phố đã thực hiện các hoạt động kết nối việc làm qua công tác tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm, trong đó có 1 sàn giao dịch trực tuyến kết nối với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; giám sát tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành phố đang có lực lượng lao động làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trao đổi thông tin và có giải pháp phối hợp nhằm trao đổi, phát huy và chia sẻ lợi thế lẫn nhau, thúc đẩy thị trường lao động phát triển cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp, người lao động giữa các địa phương kết nối cung – cầu lao động.
Trả lời báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra lời khuyên, thị trường lao động hiện nay cũng như trong tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp chắc chắn sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh. Lao động kỹ năng thấp dễ bị mất việc làm, bị đào thải do sức cạnh tranh trên thị trường lao động thấp. Do đó, nhân thời điểm hiện nay, những lao động đang gặp khó khăn do mất việc làm, phải nhận trợ cấp thất nghiệp nên tham gia học nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng hoặc chủ động học nghề mới để sớm có việc làm trở lại, ổn định cuộc sống.
Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý III/2023 do Bộ LĐ-TB&XH công bố, về triển vọng thị trường lao động quý IV/2023, dự báo, cả nước sẽ có 51,3 triệu người lao động có việc làm. Một số ngành sẽ tăng người làm việc, đồng nghĩa với các doanh nghiệp sẽ cần tuyển dụng nhiều lao động, gồm có: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 2,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 2,2%. Trong khi đó, 3 ngành sẽ giảm số lao động làm việc, là: sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.
Ngọc Mai – Nguồn: baophapluat.vn
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...