LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM
Người lao động chật vật kiếm việc cuối năm
SLO – Lần thứ hai trong vòng một tháng nhìn thấy tên mình trong danh sách bị cho nghỉ việc, Nguyễn Thu Hương bần thần, không biết ngày mai sẽ đi kiếm việc ở đâu.
Hương, 25 tuổi, quê Thanh Hóa, đã ba năm làm công nhân may nhưng bị sa thải một tháng trước do công ty hết đơn hàng, thiếu việc. Vẫn độc thân, lại ở quê với bố mẹ nên khoản trợ cấp mất việc ba tháng lương giúp Hương không quá áp lực về mặt tài chính từ nay đến Tết. Điều cô lo nhất là ánh mắt lo lắng của bố mẹ.
“Ngày trước mỗi dịp Tết nghe hỏi ‘lương tháng bao nhiêu?’ đã khủng hoảng, nay nghe hỏi thêm ‘tìm được việc chưa cháu?’ còn đáng sợ hơn”, cô cười như mếu.
Ngay sau hôm mất việc, Hương chạy khắp các công ty, khu công nghiệp quanh huyện hy vọng tìm được việc làm mới. May mắn tìm đến cô sau hai tuần bấn loạn. Cô được nhận vào một một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, làm cùng một vị trí, cách nhà 15 km. Đã có ba năm tay nghề nên Hương bắt nhịp được ngay với công việc, không cần đào tạo lại.
Nhưng vừa làm được một tuần, công ty này cũng lại hết đơn hàng, cắt giảm lao động. Những người mới vào như Hương đương nhiên nằm trong danh sách “ưu tiên” cắt giảm.
“Từ nay đến Tết mà không có việc, gặp ai chắc cũng bị nói cho nhức đầu”, Hương nói và quyết định ngày mai lại xách xe ra đường đi kiếm việc. “Bí quá thì ở đâu nhận lao động thời vụ hay bưng bê gì cũng phải làm”, cô thở dài.
Cảm giác hụt hẫng và gần như bế tắc khi đi kiếm việc cuối năm của Thu Hương cũng giống như của chị Lý Thị Thal (32 tuổi, quê Sóc Trăng), công nhân một công ty may mặc ở quận 12, TP HCM. Đợt Covid-19 bùng phát mạnh ở TP HCM năm ngoái, khó khăn tứ phía nhưng công ty vẫn trụ được. Khi cuộc sống trở lại bình thường doanh nghiệp lại lao đao, còn chị vừa mất việc hồi cuối tháng 10, “nhanh đến mức không kịp trở tay”.
Sáng 21/11, thay vì rẽ đến công ty may như thói quen đã hình thành 5 năm, chị Thal đi bộ quanh các nhà máy gần khu trọ tìm việc. Đã vài lần mắt chị sáng lên khi nhìn thấy thông báo dán ở cổng các doanh nghiệp, nhưng lập tức chưng hửng vì biết đó không phải tin tuyển lao động. “Giờ người ta chỉ thông báo cho nghỉ chứ mấy công ty tuyển”, Thal biết thế nhưng gần tháng nay vẫn cứ đi tìm.
Chồng chị Thal làm phụ hồ ở Long An, thu nhập đủ cho anh chi tiêu. Ở quê, chị còn hai đứa con đang tuổi đến trường. Lương lúc công việc ổn định được 6 triệu đồng, tính cả tăng ca được thêm khoảng hai triệu. “Tui gửi hai triệu cho con, một triệu cho ba mẹ, ba triệu để đóng tiền trọ và ăn uống, còn tiết kiệm”, chị vừa cầm trái bắp luộc lên, vừa ăn vừa kể.
Mất việc chưa biết tìm đâu, vài bữa đầu chị còn ăn cơm rau tử tế, sau chỉ dám mua mì tôm với ngô luộc về đổi bữa. Chị sợ nếu thất nghiệp kéo dài, chị không có tiền nuôi con ăn học. Tết lại đang cận kề, Thal vẫn muốn con các con có quần áo mới và những bữa cơm tươm tất hơn thường ngày.
“Bữa có thông báo cho nghỉ tui khóc hai đêm liền. Đến giờ tui chưa dám gọi cho cho ba mẹ báo tin”, Thal nói.
Hơn một tuần qua, ngày nào người phụ nữ quê Sóc Trăng cũng đi bộ quanh khu để tìm việc vì không biết đi xe máy. Chị bảo, nếu có chỗ tuyển nhưng xa hơn, chị cũng chẳng biết cách nào để đi làm. Lên mạng đầy rẫy tin tuyển dụng, nhưng Thal sợ bị lừa.
Lý Thị Thal và Thu Hương là hai trong số hàng trăm nghìn lao động chủ yếu là công nhân thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… bị sa thải trong vài tháng qua do thiếu đơn hàng, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa hồi phục.
Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nói ngoài doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình đơn hàng ổn định, công nhân có việc làm, nhiều ngành khác đang gặp khó khăn. Một số ngành thuộc diện xa xỉ “có cũng được mà không cũng chẳng sao” như nội thất, quần áo, da giày… nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Ngành điện tử thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.
Để giữ chân công nhân, nhiều nhà máy dùng hết phép năm nay và ứng phép năm 2023 để bù đắp. Một số công ty có sáng kiến cho nhân viên nghỉ luân phiên.
Theo thống kê của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, trong quý 4, các doanh nghiệp trong ngành giảm 30% đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu của ngành bắt đầu giảm từ tháng 9.
Thất nghiệp khiến người lao động hoang mang, tỏa đi tìm kiếm việc làm để bù đắp kịp thời cho khoản thu nhập thiếu hụt. Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM cho biết, trong tháng 10/2022 hơn 10.440 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người không có việc làm, đủ điều kiện hưởng trợ cấp được trung tâm ghi nhận 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
PGS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng viện Đời sống xã hội (Social Life) cho biết, mất việc ở công nhân gây khủng hoảng nhất trong các nhóm lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất vì trình độ kỹ năng thấp, đơn biệt theo công đoạn và mạng lưới xã hội hạn hẹp vì thời gian làm việc kéo dài, ít các tương tác quan hệ xã hội.
Một thời gian dài, các doanh nghiệp xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng chuyên biệt hóa, có nghĩa mỗi công nhân được tuyển vào chỉ cần làm một khâu. Theo khảo sát của Social Life, các ý kiến của người lao động cho rằng, công việc hiện tại hầu như không cần bất cứ điều kiện nào chiếm tỷ lệ 53,4%. Lao động có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên chỉ chiếm tỷ lệ 10,4%, có trình độ học vấn từ trung cấp, cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ 5,2%, có kỹ năng/chứng chỉ nghề chiếm tỷ lệ 8,6%, ưu tiên người trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) và khỏe mạnh chiếm 10,3%… Khi được nhận vào doanh nghiệp, chỉ cần vài buổi hướng dẫn, họ có thể làm việc từ ngày này qua ngày khác, mà không được đào tạo bài bản.
Khi mất việc, do chỉ thành thạo một khâu duy nhất trong quy trình làm ra sản phẩm, họ không thể vận dụng kinh nghiệm có được ở một doanh nghiệp cũ để tìm hướng mưu sinh mới. Thêm vào đó, đa phần công nhân chỉ có mạng lưới xã hội là những người cùng hoàn cảnh với họ, vì chỉ đi từ nhà đến xưởng, làm công việc lặp lại. Nghĩ đến tháng có lương, ít người trong số họ mở rộng vốn xã hội.
Ông Lộc nhận định, sau làn sóng cắt giảm việc làm này, các doanh nghiệp sẽ có khuynh hướng tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả năng suất. Điều này ít nhiều dẫn tới khả năng ưu tiên ký hợp đồng với những lao động có trình độ, kỹ năng, tính kỷ luật hoặc những người trẻ khỏe. Còn lại các công ty sẽ tuyển dụng lao động thời vụ thông qua công ty cung ứng lao động. Giải pháp này giúp họ tiết kiệm chi phí trả lương, đóng bảo hiểm.
“Những người có kỹ năng thấp lại lớn tuổi nếu mất việc đợt này khả năng cao sẽ mất luôn”, ông dự báo.
Văn Hải, một công nhân mới nghỉ việc hơn ba tháng trước ở Bình Dương thừa nhận mình chưa có kỹ năng nào đặc biệt để tự tin rẽ sang công việc khác ngoài công nhân. “Trước tôi làm sale bất động sản, nhân viên kinh doanh… nhưng không giỏi ngoại giao nên phải nghỉ”, Hải, quê miền Trung nói.
Chàng trai 28 tuổi vào Bình Dương làm việc hai năm trước, đúng dịp Covid-19 bùng phát. Thực hiện “ba tại chỗ” theo chính sách của công ty, dù bí bách, Hải vẫn có thu nhập ổn định, hơn 10 triệu đồng một tháng, tính cả tiền tăng ca. Chi tiêu hết khoảng hơn 5 triệu, còn lại, chàng trai trẻ gửi về quê cho bố mẹ nông dân. “Làm công nhân cực chân tay nhưng khỏe đầu óc thoải mái”, anh thừa nhận.
Nhưng giữa năm nay, làn sóng hết đơn hàng ở các doanh nghiệp bắt đầu trỗi dậy. Công nhân không được tăng ca như trước, thu nhập của Hải về còn 5 triệu đồng, chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm.
Anh loay hoay với quyết định chuyển đổi, cuối cùng chọn về quê. Hải nộp hồ sơ vào công ty giày da, làm nhân viên đóng thùng hàng, thu nhập cũng bằng với lúc ở Bình Dương lúc không tăng ca. Nhưng anh không còn phải lo tiền trọ, tiền ăn đắt đỏ, lại được ở gần người thân.
“Tôi sống cùng bố mẹ nông dân nên phải làm kinh tế để đỡ đần. Tết sắp đến, tôi không thể không có thu nhập”, anh nói. Dù muốn học nghề, nhưng Hải vẫn chưa xác định được chọn lĩnh vực gì. Tiền để học nghề ở đâu, với anh vẫn chưa có câu trả lời.
Theo PGS Nguyễn Đức Lộc, trên thế giới, một số nước trong hệ thống an sinh xã hội luôn có chương trình đào tạo lại công việc để người lao động thích ứng trước những biến động gây mất việc làm hàng loạt. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quỹ này.
Chuyên gia kiến nghị cần có chính sách đào tạo lại để người lao động thích ứng với những biến đổi nhất là những lao động lớn tuổi không thích ứng kịp những thay đổi xu hướng công việc hiện tại. Khi đó, dù mất việc, họ có cơ hội được học nghề mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài các luật Lao động, luật Bảo hiểm, nhà chức trách nên xây dựng luật trợ giúp xã hội, có quỹ dự phòng an sinh xã hội, tránh tình trạng người “chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề” mất việc, không thể tìm việc mới.
Chiều 22/11, thấy chị Thal đi bộ rạc chân nhiều ngày vẫn chưa xin được việc, một người dân sống gần con hẻm nơi chị trọ giới thiệu cho chỗ làm thời vụ. “Tôi rất mong sẽ được nhận. Còn hai tháng nữa mới đến Tết, nếu miệng mình lo không được, làm sao lo được cho con”, chị thở dài.
Minh Tâm, Phạm Nga – Nguồn: vnexpress.net
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...