AN SINH
Người trẻ dễ vỡ nợ thẻ tín dụng
SLO – Việc dễ dàng mở thẻ tín dụng, sử dụng thẻ nhưng lại không có kế hoạch quản lý chi tiêu khiến nhiều bạn trẻ nợ tiền, mất khả năng chi trả.
Nhu cầu đáo hạn thẻ cao
Hiện ở TPHCM, có nhiều điểm dịch vụ nhận rút tiền mặt từ thẻ tín dụng bằng cách cho khách mua hàng khống (vờ quẹt thẻ mua hàng để nhận tiền mặt), nhận đáo hạn “chui” thẻ tín dụng với mức phí 2% trên số tiền rút hoặc đáo hạn. Theo Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB), đáo hạn thẻ tín dụng là dịch vụ chủ thẻ vay tiền trả nợ thẻ tín dụng khi đến hạn thanh toán mà chưa đủ khả năng tài chính. Các điểm dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ tín dụng cho khách. Sau đó, họ sẽ quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại tiền ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo.
Nhã – nhân viên của một điểm dịch vụ trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình – cho hay khách thường đến rút 100% hạn mức trong thẻ tín dụng: “Hôm nay, có năm khách rút tiền thì cả năm đều gửi lại thẻ đến kỳ đáo hạn luôn. Tụi em đang giữ mấy trăm thẻ tín dụng của khách để tiện đáo hạn khi đến kỳ thanh toán”.
Nhu cầu rút tiền, đáo hạn lớn nên một số tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại cũng làm thêm dịch vụ này. Tại sạp T.T. trong chợ Bến Thành, Q.1, chúng tôi thấy có vài khách đến nhờ chủ sạp quẹt thẻ để lấy tiền mặt hoặc nhờ đáo hạn rồi trả phí là 4% trên số tiền giao dịch. Chị T. – chủ sạp – cho hay trước đây, khách mua đồ lưu niệm thường trả tiền mặt, nay thì quẹt thẻ tín dụng. Có khách than lỡ quẹt thẻ nhiều, không đủ tiền thanh toán, phải nhờ dịch vụ đáo hạn nên chị T. mở luôn dịch vụ này.
“Sạp tôi có gắn máy quẹt thẻ (máy POS). Nếu doanh số thấp thì tôi phải trả phí cho ngân hàng 3%/giao dịch, còn nếu doanh số cao thì chỉ trả phí khoảng 1,5%. Việc mở dịch vụ rút tiền, đáo hạn giúp tôi vừa có doanh số cao, vừa ăn chênh lệch thêm 1% tiền phí” – chị T. nói.
Chủ một điểm rút tiền, đáo hạn “chui” trên đường Điện Biên Phủ, Q.3 nói với chúng tôi: “Không có tiền thanh toán thì dùng dịch vụ đáo hạn thôi em. Nếu em nợ thẻ tín dụng 50 triệu đồng, số tiền gốc và lãi phải thanh toán mỗi tháng là khoảng 2,5 triệu đồng, thanh toán không đủ thì bị phạt phí trả chậm, nợ xấu. Dùng dịch vụ thì em chỉ trả phí 2% với số tiền là 1 triệu đồng. Giờ ai cũng kẹt tiền, cũng rút tiền mặt và đáo hạn hết”.
Tại các điểm trên, có khách ký gửi đáo hạn 2-3 thẻ, có khách ký gửi đến 5-6 thẻ.
Phải biết quản lý tài chính cá nhân
Chuyên gia tài chính – tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, trước đây, để được cấp thẻ tín dụng, khách hàng phải có thu nhập ổn định, có hợp đồng lao động. Gần đây, các ngân hàng tăng cường cạnh tranh mảng bán lẻ, phát hành nhiều loại thẻ, trong đó có thẻ tín dụng nên đã giảm bớt một số yêu cầu để khách hàng dễ tiếp cận, đồng thời nâng hạn mức thẻ tín dụng lên gấp 5-6 lần so với trước.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, hiện có hai nhóm khách hàng: một nhóm muốn tận dụng ưu đãi của thẻ hoặc xem thẻ tín dụng là một khoản vay trước; một nhóm không lường trước thu nhập, khả năng tài chính của mình, dùng thẻ tín dụng để mua sắm cho bằng bạn bè. Ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng phát triển rất mạnh. Tùy theo quy định của các ngân hàng mà hạn mức thẻ có thể gấp từ 2-7 lần thu nhập hằng tháng, nên công dân trẻ ở các nước phát triển sở hữu 2-3 thẻ với tổng hạn mức 1-2 tỷ đồng là chuyện bình thường.
Ở Mỹ và châu Âu, có những khóa cai nghiện thẻ tín dụng do có không ít người lâm vào túng quẫn, nợ xấu do dùng thẻ mất kiểm soát. Ở Việt Nam, do người dân có thu nhập không ổn định, dễ đứt đoạn dòng tiền nên tình trạng nợ xấu thẻ tín dụng có thể nhiều hơn. Đặc biệt, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp cao, người sử dụng thẻ tín dụng không có tiền để trả cũng tăng. Bằng chứng là nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng trong sáu tháng đầu năm 2022 tăng 20% so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu tín dụng tiêu dùng nói chung, thẻ tín dụng nói riêng không nguy hiểm bằng nợ xấu tín dụng bất động sản.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, cần hướng dẫn cho giới trẻ về quản lý tài chính cá nhân, tăng hiểu biết về sử dụng thẻ an toàn, hợp lý: “Chúng ta đang kêu gọi các công ty tài chính cho vay lãi suất thấp để dẹp tín dụng “đen”, trong khi thẻ tín dụng đang có lãi suất tốt hơn so với khoản vay của một số công ty tài chính. Thẻ tín dụng là một công cụ cấp khoản vay tiêu dùng rất tốt cho nền kinh tế và người dân”.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, xã hội hiện đại không dùng tiền mặt và khuyến khích tiêu dùng trước, trả tiền sau. Ở Mỹ, khách bước vào bất kỳ cửa hàng nào cũng được mời mở thẻ tín dụng. Người mở thẻ lần đầu được giảm 30% khi mua hàng hóa. Cách khuyến khích tiêu dùng này tạo ra dòng luân chuyển hàng hóa, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Riêng ở Việt Nam, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển, đi đúng với chính sách mà Chính phủ đề ra, theo khuynh hướng hiện đại của thế giới. Tới một lúc nào đó, ở Việt Nam, việc một khách hàng sở hữu mười thẻ tín dụng là chuyện bình thường.
Việc sở hữu nhiều thẻ có thể tận dụng được nhiều tiện ích hơn. Chẳng hạn, khi mua sản phẩm điện máy trong một hệ thống siêu thị, thanh toán qua thẻ tín dụng của Mastercard thì được giảm giá 1 triệu đồng/sản phẩm nhưng thanh toán qua thẻ của Visa chỉ được giảm 500.000 đồng thì khách sẽ thanh toán qua Mastercard. Vấn đề là người dùng thẻ phải biết cân đối ngân sách, học cách lập kế hoạch tài chính để tối ưu hóa việc không dùng tiền mặt, tận dụng tiện tích của thẻ tín dụng để đáp ứng nhu cầu của mình, tránh việc chi tiêu quá khả năng tài chính. Nên biết thời điểm nào nên quẹt thẻ tín dụng để được miễn lãi tối đa từ 45-55 ngày, tối ưu hóa dòng tiền.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, khách dùng dịch vụ đáo hạn thì số nợ sẽ tăng lên. Khách có quyền đăng ký hai loại thanh toán, một là thanh toán 100% dư nợ thẻ, hai là thanh toán từ 5-10% dư nợ thẻ. Trường hợp khách đã sử dụng hết hạn mức thẻ và không đủ tiền để thanh toán hằng tháng từ 5-10% hạn mức thẻ thì có thể chuyển sang trả góp. Hiện nay, để tránh tình trạng khách sử dụng dịch vụ rút tiền bên ngoài, các ngân hàng đều có dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng với phí rút ưu đãi, thậm chí không tốn phí, chấp nhận trả góp trong vòng 36 tháng.
Thanh Hoa – Nguồn: phunuonline.com.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Năm 2021, 2 chị em Nupur Poharkar và Sharvari Poharkar đã thành lập PIRUL Handicrafts để sản xuất...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...