XÃ HỘI
Người trẻ gặp nhiều áp lực trước Tết
SLO – Ngồi nhẩm tính các khoản cần tiêu trong Tết Quý Mão, Thanh Thảo giật mình khi số tiền vượt quá 20 triệu đồng, gấp đôi lương tháng của cô.
Với cô gái 28 tuổi đang làm việc tại một tổ chức giáo dục ở TP HCM, tiền tiêu dịp Tết gấp 3-4 lần bình thường. Ngoài tiền vé máy bay về Hải Phòng, Thảo phải sắm quần áo mới, quà cáp cho cấp trên, bố mẹ, họ hàng hai bên. Chưa kể các buổi họp lớp, gặp mặt bạn bè thân thiết tốn cả triệu đồng.
“Nhưng áp lực nhất là tiền lì xì. Tôi có đến 30 em họ và cháu. Mừng tiền trăm thì không đủ kinh tế, mà vài chục nghìn dễ bị chê, nói móc. Lần nào về quê cũng tiêu tốn 15-20 triệu đồng”, cô thở dài.
Để có số tiền này, từ đầu năm 2022, Thảo phải tiết kiệm tối đa bởi 10 triệu đồng tiền lương mỗi tháng chỉ đủ trả tiền thuê trọ, sinh hoạt phí và nuôi em trai đang là sinh viên.
“Hai năm nay kinh tế khó khăn khiến công ty cắt giảm toàn bộ thưởng Tết, nhân viên chỉ trông mong vào lương. Nếu không thắt lưng buộc bụng, tôi chẳng có tiền về quê”, cô kể.
Chi nhiều tiền cho mua sắm trong dịp Tết là thói quen của đại đa số người Việt. Báo cáo của Kantar – đơn vị chuyên nghiên cứu hành vi của người mua hàng cho thấy, sức mua mùa Tết 2019 ước tính đạt 46.000 tỷ đồng cho toàn thị trường Việt Nam (gấp đôi các tháng thường). Sau hai năm ảnh hưởng vì dịch bệnh, đơn vị này dự kiến giá trị hàng tiêu dùng trong Tết 2023 sẽ tăng 7-9% so với cùng kỳ các năm.
Còn theo khảo sát xu hướng người tiêu dùng Việt Nam cho Tết 2023 trên gần 600 người, trong độ tuổi 18-45, tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng do công ty nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện, trung bình một người sẽ tiêu thêm 6,7 triệu đồng cho Tết, khiến nhu cầu chi tiêu bình quân đầu người có thể tăng gấp đôi so với các tháng khác.
Các khoản chi tiêu phổ biến nhất cho dịp tết Quý Mão 2023 gồm tặng quà (chiếm 57%), mua sắm quần áo (47%), lì xì (45%) và mua bánh kẹo (42%)…
Quốc Anh, 28 tuổi, công nhân tại Thái Nguyên cũng sợ Tết.
Nhắc đến Tết, chàng trai quê Nghệ An nghĩ ngay đến những câu hỏi về lương thưởng từ người thân, hàng xóm. Nhưng hàng tháng nhận 7 triệu đồng tiền lương trong khi phí sinh hoạt cao khiến anh không còn tiền tiết kiệm.
Biết con khó khăn, gần Tết bố mẹ Quốc Anh động viên “không cần tiền, chỉ cần gia đình sum họp”. Nhưng họ hàng, làng xóm không nghĩ vậy. Lần nào về quê, anh cũng bị bủa vây trong những câu hỏi như lương bao nhiêu; thưởng Tết có được vài chục triệu không; Đi làm nhiều năm đã lên quản lý chưa…
Những câu hỏi khiến Quốc Anh căng thẳng. Khách đến anh lại trốn chui lủi, lúc dưới bếp, khi ngoài bờ ao cả tiếng đồng hồ. “Mọi người nghĩ hỏi han là sự quan tâm nhưng chỉ khiến tôi tự ti và có cảm giác có lỗi với bố mẹ khi cả năm đi làm không có tiền gửi về. Tôi thấy mình vô dụng, kém cỏi, khiến bố mẹ xấu hổ và không muốn về quê ăn Tết”, anh kể.
Số lao động không có tiền tiết kiệm như Quốc Anh sau hai năm đại dịch không hiếm. Kết quả khảo sát trên 6.200 công nhân ở trên cả ba miền, công bố tại tọa đàm hôm 8/12/2022, cho thấy nếu mất việc thì 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng. Đáng chú ý, tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi năm 2022 khoảng 8,74 triệu đồng, nhưng với mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng, thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Điều này gây áp lực lớn đến người lao động trước các khoản chi tiêu dồn dập cho tết.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), chuyện người trẻ sợ Tết hay trốn ăn Tết phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Hiện chưa có khảo sát cụ thể về hiện tượng này nhưng chuyên gia nhận định thường rơi vào người trẻ trên 25 tuổi. “Đây là thời điểm xã hội bắt đầu đặt ra những kỳ vọng về chuyện lập gia đình, lương thưởng, áp lực kinh tế khi Tết đến, khiến người trẻ rơi vào tâm lý sợ hãi và tìm cách trốn tránh”, ông Lộc nói.
Khảo sát gần 600 người của VnExpress hôm 28/12 cũng cho kết quả tương tự. Trước câu hỏi: “Lý do bạn sợ Tết”, 44% nói chi tiêu quá nhiều cho tiền mừng tuổi, quà cáp; 27% nói sợ bị hỏi về lương thưởng; 26% sợ giục cưới; và 3% sợ trực Tết hoặc lý do khác.
Công việc ổn định, thu nhập cao khiến Tiểu Gu, 26 tuổi, ở TP Thủ Đức (TP HCM) tránh được câu hỏi về lương, thưởng. “Nhưng tôi liên tục bị họ hàng, làng xóm ‘đòi cho ăn cỗ cưới’, nhất là khi anh trai lớn vừa lập gia đình”, Gu kể. Ban đầu anh ậm ừ cho qua, sau ít về quê bởi bản thân là người đồng tính, chưa công khai.
Thấy con có ý tránh né, người thân chờ dịp lễ Tết để sắp xếp các buổi xem mắt. Anh nói, cả năm đi làm vất vả, Tết về lại nghĩ cách đối phó với những câu hỏi giục cưới để không bị mất lòng, khiến bản thân mệt mỏi. Nhiều đêm ngủ, Gu vẫn nghe tiếng khuyên bảo “nên sớm lấy vợ” bên tai, đến ám ảnh.
“Mọi người thường thắc mắc sao càng lớn càng không thích Tết, nhưng ít ai chịu suy nghĩ về lý do chính người lớn đang làm Tết trở nên tiêu cực và đầy rẫy áp lực”, Gu nói.
Anh cho biết nếu tình trạng này tiếp diễn, Tết năm nay chỉ ở trong nhà hai ngày 30 và mùng một, sau sẽ đi du lịch để giải khuây, tránh xa những câu hỏi vô duyên.
Lý giải về điều này, ông Lộc cho rằng người trẻ ngày nay sống ở môi trường đô thị, quen dần với sự riêng tư, nhưng người ở quê lại coi chuyện hỏi thăm nhau là biểu hiện của quan tâm. “Chính sự xung đột về văn hóa khiến hai phía không hiểu nhau, tạo tâm lý áp lực và sợ hãi mỗi dịp Tết đến đối với người trẻ”, ông Lộc nói.
Như với Quốc Anh, không muốn bị những câu hỏi vô duyên gây căng thẳng, anh dự định xin ở lại làm xuyên Tết. “Có tiền tôi mới tự tin về quê để không bị soi mói hay đem ra so sánh với con nhà người ta”, chàng trai 28 tuổi nói.
Trước những câu hỏi thiếu tế nhị, xoáy sâu vào đời tư, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc khuyên gia đình cần phải xem sự hiện diện của mỗi thành viên trong nhà là một món quà, nên quan tâm và động viên thay vì kỳ vọng quá mức tạo nên áp lực cho người trở về, khiến tình cảm ngày càng xa cách.
“Suy cho cùng bố mẹ ở nhà luôn mong mỏi con cái trở về. Mọi người nên nghĩ dịp Tết là vui vẻ và đừng đặt gánh nặng cho nhau”, ông Lộc nói thêm.
Quỳnh Nguyễn, Minh Tâm – Nguồn: vnexpress.net
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...