NHẬT KÝ ĐIỀN DÃ
Những ghi chép về đời sống công nhân: Bến cát tháng tư (phần 6)
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. Tiếp nối câu chuyện về đời sống công nhân, Đời sống Xã hội xin chân thành cảm ơn tác giả Bích Ngọc đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại Bình Dương, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bình Dương do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 04/2012, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những ghi chép về đời sống công nhân: Bến Cát tháng tư”.
NGÀY 16/4/2012
Sáng nay tôi có hẹn với chú Vũ, Chủ tịch công đoàn khu công nghiệp Mỹ Xuyên. Tôi được anh Phỉ dẫn đến phòng làm việc của chú, từ xa tôi đã nghe tiếng nói chuyện khá lớn phát ra từ trong phòng, một người mặc áo sơ mi trắng, quần tây, đeo kính lão to bản, điện thoại áp vào tai đang nằm dài trên bộ salon màu đen. Người này bật dậy khi thấy tôi xuất hiện, thì ra là chú Vũ. Chú trên 50 tuổi rồi, người ngăm đen.
Chú kể đã công tác ở đây với cương vị là chủ tịch công đoàn từ năm 2007 tới giờ. Chú hỏi khá cặn kẽ về mục đích nghiên cứu ở địa bàn lần này của chúng tôi. Tôi cũng khá “đuối” trước những câu hỏi của chú, sau một hồi lâu bị “ chất vấn”, chú mới chịu cho tôi đổi vai trò. Chú đem ra một xấp danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn và bảo tôi ghi lại một vài doanh nghiệp để chú giới thiệu trực tiếp.
Tôi thấy vui lắm vì gặp được một vị lãnh đạo nhiệt tình như thế. Chú chia sẻ khá thoải mái về công việc của công đoàn cũng như những chính sách dành cho công nhân của doanh nghiệp: “Hiện nay về chính sách phúc lợi của doanh nghiệp cho công nhân, có doanh nghiệp làm tốt, có doanh nghiệp làm chưa tốt, chắc khoảng 50% là làm chưa tốt à nha. Vấn đề là doanh nghiệp có làm đúng theo pháp luật hay không. Có một vấn đề hiện nay là, chế độ nâng lương của doanh nghiệp chưa rõ ràng, lại thêm công nhân thích tăng ca, có trường hợp công nhân đình công đòi tăng ca. Vì sao? Vì nếu không tăng ca, công nhân sẽ không đủ sống, tăng ca họ mới được tăng thu nhập. Nhưng lại gặp phải vấn đề sức khỏe, về lâu về dài họ có chịu nổi hay không?”. Chú cũng nói nhiều về thực trạng của các doanh nghiệp hiện nay: “Cô lại phỏng vấn họ, họ chỉ nói mặt tốt thôi, không nói mặt xấu cho cô nghe đâu. Có một thực rạng là ‘người Việt Nam đánh người Việt Nam’, nghĩa là có một bộ phận quản lý người Việt đứng về phía doanh nghiệp chèn ép công nhân mình. Có thể là thực chất doanh nghiệp người ta tốt nhưng do cái bộ phận này bày vẽ, lách luật làm cho cho chính doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ theo pháp luật.”
“Có những hoạt động công đoàn phát động để công nhân tham gia, như giải đá bóng chẳng hạn, nhưng họ cũng không tham gia”. Chú nói huyên thuyên về vấn đề doanh nghiệp, tôi cố gắng viết viết và viết để không bỏ sót thông tin vì máy thâu âm của tôi lại trở chứng ngay từ lúc sáng. Máy của Sang cũng bị hư, không biết thằng nhỏ sẽ ghi chép như thế nào đây. Chú Vũ vẫn say sưa với chủ đề mà tôi hỏi: “Doanh nghiệp có tính hai mặt, ảnh đối phó dữ lắm, không kiểm tra hết được. Nói trên giấy tờ là vậy nhưng khi vô cụ thể thì họ lại áp dụng khác đi. Hiện nay việc giám sát rất yếu, chủ tịch công đoàn phải có vai trò lớn lắm mới có tiếng nói với doanh nghiệp. Công đoàn cấu tạo trong doanh nghiệp cho có mà thôi, lương do doanh nghiệp trả, thử hỏi làm sao đây? Trong khi đó tất cả các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần của công nhân đều khoán hết cho công đoàn doanh nghiệp.”
Tôi trò chuyện với chú Vũ vừa mới khoảng 10 phút thì có người cần gặp chú. Chú tỏ vẻ mừng rỡ vì đó là đại diện công đoàn của một doanh nghiệp. Chú bảo lần này khỏi mắc công đi đâu. Tôi vừa mừng vừa lo, vì thứ nhất tôi chưa phỏng vấn chú Vũ xong, thứ hai, lục loại trong sổ tay, những câu hỏi tôi chuẩn bị để hỏi doanh nghiệp không cánh mà bay, thứ ba, máy ghi âm bị hư rồi. Tôi cố gắng hồi tưởng lại ngay nhưng cũng không nhớ mình đã làm gì với nó, thôi thì cứ tùy cơ ứng biến vậy. Cũng vừa may lúc đó Sang nhắn tin bảo mọi người ở nhà trọ Quỳnh An đều đi vắng nên chưa phỏng vấn được, tôi liền bảo nó qua phỏng vấn tiếp chú Vũ. Doanh nghiệp tôi phỏng vấn lần này là công ty gỗ Grand Arter của Đài Loan.
Chị Hà Thị Thảo 28 tuổi, quê ở Đak Lak, làm nhân viên hành chính nhân sự cho công ty này đã 4 năm rồi. Chị khá vui vẻ khi trò chuyện với tôi về nơi công ty: “Công ty mình chuyên sản xuất bàn ghế để xuất khẩu thôi, giờ là gần 2000 công nhân, công nhân làm giờ hành chính à, từ 7 giờ 30 sáng cho tới 4 giờ 30 chiều, nếu có tăng ca thì chừng 2-3 tiếng”. Về vấn đề nhà ở cho công nhân, chị cho biết: “Công ty mình không xây kí túc xá cho công nhân vì lượng xây với lượng ở không bao nhiêu nên không xây, với lại họ cũng không thích ở kí túc xá, ở bên ngoài họ có người thân bạn bè ở cùng, chỉ có công nhân làm lâu năm mới ở nhiều, chứ công nhân mới vô làm vô ra bất tiện lắm!”. Công ty của chị cũng hỗ trợ chi phí nhà ở cho công nhân là 250 ngàn mỗi tháng, cung cấp bữa trưa cho công nhân với giá 15 ngàn một phần. Hỏi về tiền lương và chính sách đào tạo cho công nhân chị cho biết thêm: “Công nhân mới vào sẽ được cán bộ xưởng chỉ, thử việc trong vòng một tháng với mức lương là 2,6 triệu, khi kí hợp đồng rồi thì lương tăng lên cỡ 3 triệu hơn, nếu có tăng ca thì 13 ngàn một tiếng”.
Chế độ phúc lợi dành cho người có thai của công ty chị cũng giống như những doanh nghiệp khác, được nghỉ hậu sản 4 tháng, ưu tiên được mang thêm thức ăn vào công ty và được về sớm 1 tiếng. Tuy nhiên nếu người có thai muốn tăng ca thì vẫn cho tăng ca. Công ty của chị không có nhà trẻ dành cho công nhân, việc đón con của công nhân do họ từ sắp xếp thời gian, công ty không cho về sớm để đón con.
Chị cho biết thêm : “Đa số họ gửi con ngoài quê không à, hay người nhà lên đây giữ”. Tôi hỏi thêm về chính sách khuyến khích giáo dục dành cho con em công nhân, chị cho biết: “Ai có con đi học mà học giỏi, nếu photo giấy khen rồi đem công chứng sẽ được thưởng 500 ngàn, đó là dành cho tụi học cấp 3 đó nhe, cấp dưới thì được 200 ngàn. Mà thủ tục rườm rà họ thấy rắc rối nên phần lớn họ không mang giấy khen tới”. Trong việc chăm lo đời sống tinh thần của công nhân, công ty của chị Thảo có tổ chức tham quan du lịch mỗi năm nhưng “Công nhân đi ít lắm, công đoàn mình bắt công nhân phải đóng thêm mỗi người từ 50 ngàn đến 100 ngàn để thế chân thôi, như năm rồi đăng kí đi chơi 300 người mà chỉ có 170-180 người đi. Họ không muốn đi đâu vì họ chỉ muốn đi với người thân họ thôi, mà có thêm người thân họ đi thì họ phải đóng toàn bộ chi phí. Như tổ chức câu lạc bộ gì họ cũng không tham gia, công nhân họ chỉ nghĩ đến việc đi làm lấy tiền thôi, đi làm về họ chỉ muốn nghỉ ngơi, thời gian đâu làm gì nữa!” Chị khá thoải mái khi tôi hỏi về vấn đề bảo hiểm: “Công ty mình thực hiện bảo hiểm 100% cho công nhân, không nợ bảo hiểm, thủ tục thực hiện nhanh”. Chị kể ra các loại bảo hiểm dành cho công nhân mà công ty mua nhưng không có bảo hiểm tai nạn lao động. Tôi hỏi vì sao thì chị bối rối trả lời: “Cũng không biết nữa, ít xảy ra tai nạn lắm”.
Hỏi sâu thêm vấn đề này thì chị cho biết thêm: “Khi công nhân gặp tai nạn thì công ty hỗ trợ tiền lương cơ bản, nếu mất sức làm việc thì công ty không sa thải đâu. Trường hợp hoàn toàn không có khả năng lao động được nữa, cụt tay chẳng hạn thì công ty sẽ thỏa thuận với họ. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục làm thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, ảnh hưởng tới mọi người, nếu họ chấp nhận nghỉ việc thì sẽ được thanh toán từ 150 triệu cho tới 170 triệu coi như đền bù hai mươi mấy năm làm việc sau này của họ. Thường thì họ nghỉ hết à, công ty nói sao hay lắm mà họ chịu nghỉ”. Chị bảo trong hoạt động tinh thần “Công nhân họ ít tham gia lắm, họ đi làm về mệt, chỉ muốn ngủ, thời gian đâu mà tham gia, ở công ty mình, có tổ chức giải bóng đá nhưng ít người tham gia lắm.” Việc tuyên truyền chính sách phúc lợi của công ty được tổ chức vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, công ty sẽ tập hợp hết công nhân để sinh hoạt, nêu ý kiến, kiến nghị để giải quyết. Cũng giống như một số công ty khác, mỗi dịp lễ tết, công nhân cũng được phát mỗi người phần quà tương tương 50 ngàn đến 100 ngàn mà thôi. Tôi chỉ trò chuyện với chị khoảng 15 phút vì chị bảo có việc cần làm nên phải xuống tầng trệt. Thật tiếc vì tôi còn nhiều vấn đề muốn hỏi chị. Thu gom “vũ khí” làm việc xong, tôi đến phòng kế bên tìm Sang, nó và chú Vũ vẫn còn đang ngồi nói chuyện. Tôi ngồi chờ, liếc sang bên đó, tôi thấy Sang ghi lia lịa, chắc là lại không thâu âm được rồi, tội nghiệp thằng nhỏ. Bụng tôi sôi lên sùng sục vì đói, thì ra cũng đã 12 kém 15 phút trưa, Sang cũng vừa kịp kết thúc phỏng vấn chú Vũ.
Tôi bước vào phòng chào chú và thử nhờ chú giới thiệu sang phỏng vấn Trưởng phòng Thương binh lao động xã hội huyện Bến Cát. Không ngần ngại, chú liền lấy điện thoại gọi cho chú Chiến trưởng phòng. Thế là chúng tôi có cuộc hẹn vào chiều mai. Trưa nay hai đứa về nhà muộn, nắng như đổ lửa suốt mấy ngày nay. Tôi huyên thuyên với Sang về kinh nghiệm đi “chầu” lãnh đạo, thì ra mối quan hệ nó lại mạnh hơn giấy giới thiệu hay quyết định gì gì đó. Thật lợi hại! Chiều nay Sang sẽ kết thúc công việc tại địa bàn bằng hai cuộc phỏng vấn sâu. Một cuộc với bé Ngàn, con dì Liên, một cuộc với chị Dao ở nhà trọ Quỳnh An. Tôi cũng hẹn với hai đối tượng để phỏng vấn nhưng đều thất bại. Thế là tôi quyết định sang trường mẫu giáo Thới Hòa gặp hiệu trưởng và chụp một vài tấm ảnh. Tôi gọi cho cô Tuyền, phó hiệu trưởng, cô tỏ vẻ khó chịu khi tôi thông báo sẽ tới trường lần nữa. Đến trường ngay giờ ăn xế của trẻ, những chiếc bàn nhỏ nhắn xinh xinh được cô trò xếp ra ngay ngắn theo thành hàng thẳng tấp, tiếng trẻ con đùa giỡn, nói chuyện rộn cả trường, những chén rau câu được bọn trẻ dọn sạch trong vòng 5 phút. Tôi vào văn phòng, được dịp trò chuyện với hiệu trưởng. Cô tên Nguyễn Ngọc Thơ, là giáo viên trên 20 năm, tiếp quản trường này vào năm 2004. Cô bảo trường có được như ngày hôm nay là do có sự tu bổ hàng năm, có dự định xây trường mới vào năm 2013 và “Khó khăn lớn nhất bây giờ là thiếu phòng ốc, dân nhập cư nhiều, lớp không đủ thì người ta phải gửi con qua tư thục. Hiện nay 4 lớp như vậy là quá tải rồi, còn cơ sở vật chất như vậy là đủ rồi. Cần nhà nước nhanh chóng xây trường để có thể đáp ứng nhu cầu của con em ”. Về chính sách đóng học phí đối với con em công nhân, cô cho biết thêm: “Do công nhân thường là dân nhập cư nên họ không có hộ khẩu để chứng nhận khó khăn, nên nhờ chủ nhà trọ chứng nhận rồi nộp lên Ủy ban chứng nhận để được giảm học phí. Nếu được chứng nhận thì họ sẽ được hội phụ huynh hỗ trợ mỗi tháng 10-15 ngàn, hỗ trợ tiền ăn mỗi trẻ là 120 ngàn”.
Nói về sự khác nhau giữa con công nhân và con người địa phương, cô cho biết: “Con công nhân thường ở nhà trọ, mà cô biết rồi đó, ở nhà trọ thành phần hỗn hợp, nó nhiễm những điều không tốt vào nhiều, cha mẹ nó đi làm nên thiếu chăm chút. Vô đây cô giáo phải chăm chút nhiều hơn, dạy từng ly từng tí để uốn nắn trẻ, các cô dạy cực hơn con em ở đây. Vô đây nó cũng dễ hòa nhập lắm, con nít với nhau dễ lắm.” Cô cho biết thêm: “Trường cô tạo điều kiện hết, trẻ đi lang thang cơ nhỡ, hay cha mẹ nghèo quá không đóng học phí liền được, cô đều cho hết, cô không ưu tiên dân địa phương hay con công nhân. Cô chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đi học, chế độ gì cũng ngang nhau. Nếu khoản nào được miễn giảm cho trẻ em nghèo cô đều miễn hết. Người nhập cư họ nghèo rồi, mình giảm 20 ngàn người ta cũng vẫn mừng. Có 4 khoản cô không thu của người nghèo là học phí 30 ngàn một tháng, tiền phụ huynh học sinh 40 ngàn một trẻ một năm, học ngoại khóa 35 ngàn một tháng, tiền hỗ trợ nhân viên 20 ngàn một tháng”.
Tôi nhận ra hình như có sự mâu thuẫn thông tin giữa cô Thu và cô Tuyền hiệu phó, vì lần tiếp xúc đầu tiên với cô Tuyền, cô bảo rằng đối với các em thuộc diện nghèo thì chỉ được miển giảm học phí, tiền ăn và khoảng thu khác thì vẫn đóng bình thường. Phải chăng cô Tuyền không nói rõ? Nói về việc nhập học của trẻ hàng năm, cô Thu cũng tâm sự: “Dân nhập cư vô đây họ phải mưu sinh nên sự chăm sóc con cái giảm đi, mình phải thay đổi cách suy nghĩ để giúp họ chứ. Ai vô năn nỉ cô đều nhận hết, nhưng trường lớp thì không đủ làm sao nhận hết được đây? Bởi vậy cứ tới 2 tháng 9 là cô phải đi trốn, giao cho hiệu phó, chứ cô mềm lòng lắm!” Cô tỏ ra khá thông cảm cho công nhân và hiểu rõ đời sống của họ tại địa bàn: “Công nhân họ sống khổ lắm, lương có bao nhiêu đâu mà tiền này tiền nọ hết trơn, bớt được đồng, tuy là không bao nhiêu nhưng họ vui lắm. Cô biết không? Một bó rau muống mà họ làm thành ba món để ăn. Họ luộc lên hén, làm chén nước mắm chấm, còn nước luộc rau họ cho chút bột ngọt là thành món canh rồi”. Bàn về công nhân, cô huyên thuyên rất nhiều về những việc thiện mà cô giúp đỡ công nhân, đặc biệt là việc đi gom góp quần áo cũ phát cho công nhân nghèo.
Cô thốt lên một câu đầy đau xót: “Đồ cũ của mình nhưng là đồ mới của người ta đó!” Tôi xin phép chụp hình trường mẫu giáo, cô Thu vui vẻ đồng ý. Nhưng khi vừa đưa máy lên chụp thì hỡi ôi, máy không có thẻ nhớ, thế là phải tốn công quay về nhà. Tôi đi bộ dọc quốc lộ 13, nắng tuy không gắt lắm nhưng rất nóng, mồ hôi nhễ nhại. Đường quốc lộ vắng tanh, lác đác một vài chiếc xe tải ầm ầm chạy qua, hình như trên con đường ấy, chỉ có một mình tôi lang thang cùng với vài con chó. Đi vào con hẻm nhà dì Út, mấy con chó vẫn đi theo tôi, những căn nhà ven hẻm cũng vắng lặng lạ thường, chốc chốc thấy một vài người ngồi trước nhà nhìn tôi một cách hiếu kì. Cuối cùng tôi cũng “mò” được về tới nhà vừa kịp lúc Sang về tới. Nó chở tôi quay trở lại trường, làm xong việc, tôi theo nó qua nhà trọ dì Liên để chụp hình môi trường sống ở đó. Đây là lần đầu tiên tôi quan sát nhà trọ trong không gian của buổi chiều tà. Vừa mới vào đầu ngõ, tôi đã nghe tiếng trẻ con chơi đùa, hầu hết là trẻ từ 3 đến 6 tuổi, có cả người lớn, chủ yếu là phụ nữ trung niên. Nhà dì Liên mở toang, Ngàn đang đứng trước cửa cười với tôi.
Mái tóc dài của nó phủ kín cả khuôn mặt ngây thơ đáng yêu của tuổi 16. “ Anh Sang hồi nãy hỏi em nhiều không Quẹo? Mệt không?”- tôi hỏi Ngàn (Quẹo- tên ở nhà của Ngàn). “Dạ cũng nhiều chị, sao hôm nay chị qua ban ngày?” Ngàn cười nói. “Uhm, tại hôm nay thất nghiệp nên qua đây chơi!” tôi trả lời. Cũng đã 4 giờ chiều rồi, Sang đưa máy lên chụp lia lịa rồi gấp rút lấy xe chạy đi qua nhà trọ Quỳnh An để phỏng vấn chị Dao. Sang bảo tôi ở lại đây chơi chốc nữa nó về rước. Tôi đi lòng vòng khu nhà trọ, Quẹo cũng đi theo tôi. Quẹo chỉ cho tôi xem nhà tắm. Thì ra nhà tắm nằm ngay giữa sân rộng của khu trọ, vừa bước vào là có thể thấy nó, mấy lần qua đây tôi cứ tưởng đó là khu vực rửa rau, làm bếp. Nhà tắm chỉ có hai phòng, nói phòng thì cũng không đúng, tôi nghĩ nó giống cái bồ đựng lúa bằng xi măng thì đúng hơn. Nó không có nóc, tường bao xung quanh cao chưa đến mắt người, chỉ có cánh cửa cao hơn một chút. Quẹo dẫn tôi qua khu vực hố xí, nó cũng được xây tạm bợ và chỉ có hai chỗ, tôi hỏi Quẹo: “Chỉ có hai phục vụ cho tất cả hả em?” Quẹo trả lời: “ Dạ” . Kế hố xí có hai phòng trọ lợp tre lá, nền xi măng, một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi cởi trần, mặc quần sọt đang ngồi hút thuốc, liếc nhìn tôi đầy vẻ hiếu kì. Tôi lân la lại làm quen. Hỏi mãi anh mới chịu trả lời.
Anh bảo cũng là dân Đồng Tháp, lên đây với vợ cũng được hơn một tháng, anh và vợ làm chung ở xưởng khung cửa, hoàn toàn không có trợ cấp hay phúc lợi gì. Nhìn vào nhà anh, chỉ thấy quần áo và vài vật dụng làm bếp cùng chiếc giường tre. Anh phì phèo điếu thuốc trên tay cười nói: “Cái giường đó nằm không được, chỉ để đồ thôi, tối ngủ dưới đất”. Nói chuyện được vài câu, Quẹo kéo tôi qua phòng trọ cạnh nhà tắm. Không khí của trẻ thơ và người già bị phá tan bởi sự xuất hiện của một người đàn ông cơ bắp lực lưỡng. Tôi đến gần hỏi chuyện. Anh tên Trưng, 29 tuổi, cũng quê ở Đồng Tháp khá cởi mở và hiền lành, anh kể đang làm ở xưởng sắt, một ngày kiếm được chừng 200 ngàn, vợ anh thì ở nhà trông con, hôm nay máy ở xưởng hư nên anh được nghỉ làm một hôm. Anh vừa nói xong, vợ anh ở trong nhà cũng lên tiếng: “Thấy ảnh đi làm, mình đi làm nữa thì ai coi tụi nhỏ, gửi nó tội nghiệp lắm!”. Tôi xin phép vào nhà anh nói chuyện lâu hơn, anh vui vẻ mời tôi vào. Tôi chạnh lòng khi nghe anh chị nói: “Tui đâu biết chữ đâu, còn vợ thì học tới lớp hai, giờ cũng đâu biết chữ gì, tui làm cho xưởng làm cây sắt, làm cửa á. Chỗ tui làm có mười mấy người thôi, làm ngày nào người ta trả lương ngày đó”. Tôi hỏi anh về đãi ngộ của chủ, anh cho biết: “Đâu có bảo hiểm gì đâu, nước uống nó còn không cho nữa mà, người nào muốn uống nước đá thì tới tháng nó trừ lương bảy tám chục. Mà làm ở chỗ đó mệt, nóng lắm, nhiều người bị cây sắt quẹt trúng phỏng nó cũng đâu nói gì, ai làm nấy chịu. Hôm bữa phát cho mỗi người một tờ giấy cũng đâu biết tờ gì, kêu ghi tên vô thôi, tới giờ cũng im ru!” Vợ anh chốc chốc cũng tham gia vào vài câu: “Làm đủ sống à chị ơi, làm tháng nào hết tháng đó, có mình ảnh đi làm mà, đâu có dư”. Tôi hỏi anh những lúc rủi ro xảy ra chuyện gì có ai giúp đỡ, anh bảo: “Thì tự mình lo, rồi chòm xóm đây nữa, cùng quê mà!”. Tôi chợt nhớ tới Tôi tìm trong balô vài viên kẹo cho hai đứa con gái anh. Tụi con nít xúm lại quấn quít đầy cả nhà anh nhưng tôi không đủ kẹo để chia. Anh cười nói nhỏ với tôi rằng vợ anh vừa mới có thai hai tháng.
Vừa vò đầu, vừa cười anh bảo: “Kệ để kiếm con trai!” Sau một vòng đi xung quanh khu nhà trọ này, tôi phát hiện hình như ở đây hầu hết là dân Đồng Tháp. Hỏi người này thì người kia bảo do có người ở trước rồi giới thiệu lên, cũng có người ở đây cả gia đình, bà con họ hàng. Như gia đình của dì Liên, ngoài dì Liên ra còn có em ruột của dì và chồng dì, những người này cũng có gia đình con cái sống cùng trong một hoặc hai phòng. Tôi ngồi trước mái hiên nhà của chủ nhà trọ, mặt nhìn ra trước sân, bọn trẻ ở đây chơi với nhau, quậy phá đủ trò. Ngồi kế bên tôi là một dì chừng hơn 50 tuổi, dì bảo lên thăm con gái làm công nhân ở trên này, nhưng con dì làm tới 9 giờ tối mới về. Ngồi xung quanh là những “bảo mẫu”, họ lên đây để giữ cháu cho con mình đi làm. Hỏi ra mọi người đều có câu trả lời chung là : “Gửi nhà trẻ tốn tiền, chăm sóc không được như mình.” Quẹo cũng đến ngồi cạnh tôi, cầm một cây củi khô vẽ quẹt xuống nền đất. Tôi hỏi ước mơ của nó là gì? Nó cười bảo muốn làm thợ chụp hình nhưng: “Nhà còn nghèo lắm, ráng làm phụ mẹ nuôi em, mai mốt xin bả đi học sau, mai mốt nhà em về quê rồi em mới đi học nghề!”. Từng giọng nói của nó, từng ánh mắt, từng cử chỉ cho thấy một sự khát khao nhưng bất lực trước hoàn cảnh. Tôi không biết phải làm gì để giúp nó đây ngoài việc cổ vũ nó. Tôi lục loại trong ba lô mấy viên kẹo dừa định mang cho Sang lúc trưa để cho Quẹo, nhưng không còn vì lúc nãy đã phát hết cho bọn trẻ. Nhìn nó lúc này tôi muốn cho nó một cái gì đó, muốn giúp nó làm một cái gì đó, nhưng không biết làm gì….
Nhìn mái tóc dài thườn thượt của nó tôi hỏi: “Sao không cắt tóc Quẹo?”. Nó cười bảo: “Cắt tóc tốn tiền lắm chị! Để dài đỡ tốn tiền!”. Vừa nói xong nó quay ngoắc đi vào nhà lấy cái gì đó, vừa bước ra thì thấy trên tay cầm một cái võng và nói: “Chị nằm võng đi cho khỏe, em dăng võng cho chị nằm”. Tôi nằm trên chiếc võng dăng giữa hai cây tràm, Quẹo xách một cái dài ngồi bên cạnh, dì Loan và chú Nhờ lúc này cũng vừa đi làm về. Chú Nhờ vừa xuống xe đã xách đồ đi làm đồ nhậu, hình như món nhậu hôm nay là nấm rơm. Quẹo cười bảo: “Ổng vậy đó!”. Lúc này cũng đã 6 giờ chiều, Sang quay về rước tôi, hai đứa nán lại chơi với Quẹo một hồi lâu mới về nhà Út. Tối nay tôi có hẹn phỏng vấn với chị Chinh ở Mỹ Xuyên. Về nhà khá muộn nhưng Út và Sang vẫn chờ cơm tôi. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện rất vui. Thật là một buổi tối cười đau bụng với Út và Sang!
(Còn tiếp)
Bích Ngọc
Trích nhật ký Bến Cát
Đọc bài viết gốc tại: Bến Cát tháng tư (P6)
Đọc phần trước tại: Những ghi chép về đời sống công nhân: Bến Cát tháng tư (Phần 5)
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...