XÃ HỘI
Những hệ lụy khi làm mẹ ở tuổi teen
SLO – Năm học lớp 11, khi biết mình mang thai Hồng Hoa mất ngủ triền miên, hoảng loạn khi nghĩ đến tương lai.
Lớn lên trong gia đình có hai chị em ở một thị trấn thuộc tỉnh Kon Tum, bố mẹ đều là công chức nhà nước, Hoa chỉ cần học không phải lo lắng gì. “Cho đến khi tôi phát hiện có bầu”, cô gái hiện 26 tuổi nói.
Người yêu của Hoa hơn cô 3 tuổi nhưng cũng chẳng biết gì hơn cô. Hai người chẳng dám kể với ai. “Đến tháng thứ 4 thì không giấu được nữa. Mẹ dắt tôi đến phòng khám, nhưng bác sĩ bảo cái thai lớn rồi”, Hoa kể. Cô bé lớp 11 bỏ học.
Đám cưới của cô chỉ tổ chức ở nhà trai do cô dâu chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Vài tuần làm dâu Hoa mới biết chồng là gã trai chỉ thích lông bông, chơi bời. “Anh lấy hết tiền mừng cưới và cái xe mẹ cho tôi để bán lấy tiền ăn chơi”, cô gái nói.
Khi bạn bè học lớp 12, Hoa ở nhà sinh nở và chăm sóc con. Một năm sau, cô quay trở lại trường. Mỗi sáng, thay vì sát giờ học mới dậy, Hoa tỉnh giấc lúc 5h sáng, thay bỉm, pha sữa cho con, nhờ bà nội trông rồi đến trường. Buổi trưa, người mẹ trẻ tranh thủ về cho con bú rồi lại đến lớp. Tối đến, nếu con ốm, cô sẽ phải thức trông suốt đêm.
Vừa học, vừa chăm con, vừa đau đầu với người chồng chơi bời, Hoa kiệt sức thấy mình đang bước vào ngõ cụt. Hơn một năm làm dâu, người mẹ trẻ đã bế con về ngoại không dưới 10 lần. Khi thấy đời mình quá bế tắc, cô chủ động ly hôn, để con lại nhà nội vì không thể tranh giành với người chồng có máu liều.
Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên dẫn đến mang thai như Hoa là vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Một khảo sát vào năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỉ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% người vị thành niên đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.
Theo nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, tỷ lệ trẻ em quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.
Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính có trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn (từ 15-24 tuổi) đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Lệ Thủy, Trung tâm phát triển kỹ năng thanh thiếu nhi, cho hay nguyên nhân hàng đầu của tình trạng mang thai tuổi vị thành niên là trẻ thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và kỹ năng quản lý cảm xúc. Trong khi đó, thời nay các em dễ dàng tiếp cận với các bộ phim, hình ảnh và câu chuyện về giới tính không phù hợp trên Internet.
“Giáo dục giới tính trong nhà trường còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, dậy thì sớm cũng là nguyên nhân yêu sớm, quan hệ tình dục sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên”, bà Thủy nói.
Làm mẹ khi vẫn còn là trẻ con, các em rất dễ rơi vào sang chấn tâm lý bởi thiếu hụt toàn diện về thể chất, kỹ năng làm mẹ, kinh nghiệm vượt qua khó khăn. Trẻ cũng mặc cảm, tự ti khi bạn bè đến trường, còn mình phải dừng việc học để chăm con. Giống như Hồng Hoa, khi quay lại học tập đã gặp vô vàn khó khăn, đi chậm hơn nhiều so với bạn bè.
“Các bà mẹ tuổi teen khó xây dựng mối quan hệ xã hội, đánh mất niềm tin vào cuộc sống vì tự ti hoặc vì định kiến của xã hội. Họ nhìn đâu cũng thấy khó khăn, đường tương lai không còn rộng mở như ban đầu”, bà Thủy nói.
Khi tin Hồng Hoa mang bầu lan đi, cô tưởng không thể gượng dậy vì thấy bạn bè, thầy cô, những người xung quanh đều nhìn mình với ánh mắt khác. “Tôi ân hận vì làm bố mẹ buồn, xấu hổ vì những lời xì xào sau lưng, chỉ loanh quanh ở nhà, không dám đi đâu”, Hoa kể.
Đến lúc mẹ xin cho cô đi học trở lại, nhà trường vẫn khuyên “nó có con rồi, đi học làm gì nữa”. Nhưng vì bố mẹ Hoa nỗ lực, cô vẫn được đến trường. Khi học đại học, cô yêu một người bạn cùng trường. Nhưng biết Hoa có một đứa con, nhà bạn trai phản đối nên anh bỏ cô.
Chuyên gia cho hay, thiếu kinh nghiệm sống cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của việc làm mẹ lứa tuổi vị thành niên.
Thu An (23 tuổi, ở Sơn La) dở khóc dở cười khi nhớ lại ngày nhà trai sang hỏi cưới cô làm vợ. Hồi đó, cô mới 15 tuổi, được mẹ khuyên bỏ học lấy chồng vì nhà nghèo không nuôi nổi. Hôm nhà trai đến nói chuyện cưới xin, An vẫn hỏi mẹ ”Như thế là con có chồng chưa mẹ nhỉ? Có được đi tán trai nữa không ấy nhỉ?”. Cô bị mẹ mắng ”lớn rồi mà ngu quá!”, nhưng vẫn cho đi làm dâu.
Giờ cả An và chồng đều làm rẫy kiếm sống, rau cháo nuôi hai đứa con, chẳng đi đâu khỏi bản. Dù vậy, vì hai lần sinh, một lần sẩy, An không lên rẫy nhiều như chồng. Cô hay lên các nhóm tâm sự trên mạng xã hội than chẳng được chồng với nhà chồng chiều bằng em dâu, dẫu nhận mình vụng về.
“Tôi nấu cơm bị sống, nấu thức ăn không hợp miệng nhà chồng, chăm con thì để con nghịch cả phân”, An nhớ lại ngày đầu làm dâu.
Ở quê cô, tình trạng tảo hôn còn nặng nề. Năm 2021, có hơn 1.020 trường hợp tảo hôn trên tổng số 8.127 cặp kết hôn. “Có đứa 12 tuổi đã đẻ con, vừa sinh được vài tháng thì con chết rồi”, An kể.
Ở Thanh Sơn, Phú Thọ, tháng trước, bé gái 12 tuổi vừa sinh con. Cán bộ địa phương cho biết, gia cảnh bé khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên ít có thời gian chăm con. “Con bé 11 tuổi nhưng nặng đến 50 kg, nhìn như thiếu nữ. Có bầu đến 6-7 tháng bé vẫn nhảy dây, đạp xe đi chơi vì chẳng biết mình mang bầu”, cán bộ nói. Đến khi người mẹ thấy bụng con lớn bất thường đưa đi khám mới biết mình sắp có cháu ngoại.
“Chúng tôi động viên, làm công tác tư tưởng để bé và gia đình bình tâm hơn. Cháu mới 12 tuổi nhưng đã phải học bế con, cho bú”, người này nói.
Chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy cho hay, không chỉ người mẹ tuổi teen, con của họ cũng gặp phải những hệ lụy dây chuyền, làm ảnh hưởng đến tương lai. “Nhiều đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh do mẹ chưa phát triển đầy đủ về thể chất. Dẫu có khỏe mạnh, trẻ vẫn phải đối mặt với thiệt thòi vì sự quan tâm không đầy đủ của một người mẹ tuổi teen hoặc gia đình khuyết bố”, bà nói.
Con trai của Hồng Hoa được mẹ nhận xét là “già trước tuổi”. Cô cho rằng vì không được ở cạnh mẹ, lại có một người bố phá phách nên cậu bé phải trưởng thành hơn bạn bè. “Tôi mua dây chuyền, cho con tiền nhưng bố uống say lại về giật hết của con, thành ra giờ nó tham lam lắm, có thứ gì là giữ khư khư hoặc mang sang ngoại cất”, Hoa kể.
PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife) cảnh báo hiện tượng trẻ vị thành niên làm mẹ gia tăng sẽ gây ra những hệ lụy không chỉ cho chính người trẻ mà còn làm suy giảm chất lượng dân số, khi thể trạng, các yếu tố tâm sinh lý của người trẻ chưa hoàn thiện để lãnh trách nhiệm làm mẹ. Ngoài ra, hiện tượng này cũng làm gia tăng các mô hình gia đình khiếm khuyết trong xã hội.
Chuyên gia Lệ Thủy khuyên các bà mẹ tuổi teen cần dành tình yêu thương cho con, vì đó là giọt máu của mình, đừng trút bực tức lên con, bởi đứa bé vô tội và cần tình yêu của mẹ. Các bạn cũng cần học cách chấp nhận và vượt qua khó khăn, nên tìm đến những người tin tưởng để chia sẻ những khúc mắc tâm lý. “Hãy nỗ lực để có tương lai tốt hơn và đừng quên tìm kiếm sự trợ giúp của người xung quanh”, bà nói.
Ông Lộc cho rằng, mỗi thành viên trong gia đình cần học lại cách sống cùng nhau, tăng tương tác và quan tâm lẫn nhau. Cha mẹ nên chủ động thấu hiểu những thay đổi nơi con. Đứa con gần gũi, nhận được lời khuyên kịp thời từ cha mẹ, tránh sai lầm không đáng có. “Suy cho cùng, cha mẹ vẫn là chuyên gia tâm lý tốt nhất của con”, ông nói.
Hồng Hoa giờ đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, có thể cùng ông bà nội của con trai lo cho bé. Sau những sai lầm từng trải qua, cô không muốn vội vã kết hôn để thêm một lần lở dỡ.
“Tôi khuyên các bạn tuổi teen hãy nghe lời bố mẹ, lo học, đi làm để có tương lai sáng lạn, đừng thiếu hiểu biết và nông nổi như tôi”, cô nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga – Nguồn: vnexpress.net
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...