GIÁO DỤC
Những lớp dạy thêm miễn phí của thầy
SLO – 7g45 một ngày đầu tháng Tám, thầy giáo Lê Tấn Phát (27 tuổi) dẫn chúng tôi đi qua một con hẻm nhỏ sâu hút, ngoằn ngoèo ở phường 6, quận 4, TPHCM. Lớp học miễn phí của thầy nằm trong khu nhà dân, có 3 chiếc bàn gỗ cũ, 1 chiếc bảng xanh và 12 học trò tiểu học.
Thầy hiền lắm
Thầy Lê Tấn Phát là giáo viên Trường trung học Thực hành (Trường đại học Sư phạm TPHCM). Dù 8g buổi học mới bắt đầu nhưng từ sớm, một số học sinh (HS) đã có mặt để phụ thầy Phát quét dọn, sắp xếp bàn ghế. “Hôm qua thầy phải nhập viện, 23g đêm mới về được đến nhà” – thầy Phát nói trong lúc đang lau bảng. Đám trẻ lao xao: “Thầy bị bệnh gì vậy thầy?”, “Hôm nay thầy khỏe chưa?”… Thầy cười hiền: “Thầy không sao, chỉ bị suy nhược cơ thể, nghỉ ngơi vài hôm là khỏe”.
Nói rồi thầy lấy từ trong cặp ra một xấp báo vừa được tặng và phát cho mỗi HS 1 tờ. Hôm nay, lớp học về hoạt động trải nghiệm trong bài báo “Mùa hè đi câu cá”, giọng đọc đồng thanh của học trò vang khắp khu nhà yên ắng. Ngoài toán, tiếng Việt và hoạt động trải nghiệm, thầy cũng thường xuyên cập nhật những vấn đề xã hội cho HS. “Đây là lớp học Ánh sáng xanh do UBND phường 6 duy trì, dành cho trẻ em khó khăn, con em công nhân, người lao động. Trong hè, HS học 1-2 buổi sáng. Khi vào năm học, lớp được chuyển qua buổi tối” – thầy Phát cho biết.
Ngồi đối diện thầy, Võ Minh Phi – HS Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 4) – rất hứng khởi với những bài toán mới. Em bộc bạch: “Nhà em khó khăn lắm, cha đi làm xa, mẹ ở nhà nội trợ, em còn 2 đứa em nhỏ nữa nên không có tiền cho em đi học thêm. Mấy tháng trước, nghe nói thầy dạy miễn phí nên mẹ xin cho em học. Từ khi học thầy, toán và tiếng Việt của em tốt hơn nhiều”. Em Phạm Thiên Kim – HS Trường tiểu học Lê Thánh Tôn, lớp trưởng – chia sẻ: “Nhà em ở gần đây nên mẹ xin cho em vào học. Thầy hiền lắm, chỉ khi nào gần tới kỳ thi mà tụi em không học bài thì thầy mới la nhẹ nhẹ thôi. Mẹ em rất quý thầy, mẹ hay nói em mang nước qua mời thầy uống”.
Thầy Phát nói có 2 khó khăn trong việc duy trì lớp học. Một là vì thời gian của thầy không có nhiều, phải từ chối đi chơi với bạn bè để “đi dạy miễn phí”. Thứ hai là vì có nhiều khối lớp khác nhau nên việc soạn giáo án cũng phải đặc biệt hơn. Trẻ lớp Bốn và lớp Năm dạy riêng, lớp Một đến lớp Ba dạy riêng. “Trong năm học, tôi thường kết thúc giờ dạy tại Trường trung học Thực hành lúc 17g. Để kịp giờ dạy các em, tôi thường ăn vội vàng rồi bắt xe ôm qua lớp. Dù mệt mỏi nhưng khi vào lớp, nghe lũ trẻ ríu rít hỏi bài, chia sẻ những chuyện vui, sự mệt mỏi của tôi gần như tan biến hết” – thầy Phát chia sẻ.
Thôi thì cứ cố gắng
Điều đặc biệt ở lớp học này là ngoài trẻ em khó khăn, một số em gia cảnh bình thường cũng xin vào học. Thầy luôn nhắc nhở: “Ở đây không có ai giàu, ai nghèo, ai giỏi, ai dở. Chúng ta như nhau và chỉ chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp”. Ngoài lớp học ở quận 4, từ năm 2021, thầy Phát còn dạy miễn phí cho một lớp ở quận 7. Đến tháng 6/2024, vì phần lớn HS đã lên cấp II nên thầy cho ngưng lớp học này và xin mở lớp học mới cho HS khó khăn tại huyện Củ Chi. Thầy sẽ dạy online xuyên suốt trong năm học, trước kỳ thi 2 tuần sẽ đến để dạy trực tiếp.
Quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, từ nhỏ, thầy Phát đã yêu thích nghề giáo và gia đình cũng có truyền thống theo nghề. Thầy nhớ lại: những năm cuối bậc tiểu học, gần nhà có một lớp xóa mù chữ do các chú bộ đội phụ trách. Gia đình không thuộc diện được tham gia lớp nhưng thầy đã nhờ cha mẹ năn nỉ để được vào học cùng các cô chú lớn tuổi. Lúc đó thầy mới hơn 10 tuổi và đã giúp các chú bộ đội dọn dẹp lớp học, bày bàn ghế, phát giấy tờ, thậm chí kiêm luôn việc viết các số, chữ lên bảng khi các chú bận.
Tốt nghiệp THPT, thầy chọn học ngành sư phạm ngữ văn của Trường đại học Sư phạm TPHCM. Học được 1 năm, thầy bắt đầu tìm hiểu về các lớp học thiện nguyện của những tu viện, nhà chùa. Nhận thấy người học các lớp này chủ yếu là HS tiểu học, thầy liền đăng ký học thêm ngành sư phạm tiểu học. Tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn loại xuất sắc, thầy Phát được trường giữ lại, bố trí dạy tại Trường trung học Thực hành. Bạn bè khuyên thầy nên qua trường tư dạy để có thu nhập cao hơn nhưng thầy vẫn kiên quyết ở lại để có thời gian dạy thiện nguyện. Năm 2023, thầy Phát tốt nghiệp thêm ngành quản lý giáo dục và dự định học tiếp thạc sĩ ngành sư phạm ngữ văn để giảng dạy cho sinh viên.
“Cha mẹ không cản tôi dạy miễn phí, chỉ mong tôi dạy ít đi vì bản thân có bệnh tim. Gia đình cũng mong tôi về quê dạy luôn nhưng tôi chưa nỡ bỏ Sài Gòn vì còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh quá. Thôi thì cứ cố gắng” – thầy Phát chia sẻ.
Theo Trang Thư – Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...