XÃ HỘI
Nữ công nhân nỗ lực vươn lên làm quản lý
SLO – Bắt đầu với vị trí công nhân trực tiếp sản xuất, nhờ nỗ lực học hỏi, không ngại khó nhiều người đã lên sếp, quản lý cả nghìn lao động.
Gần 30 năm trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Huỳnh Thị Ngọc Hà, 25 tuổi, phải bỏ dở giấc mơ giảng đường để đi làm công nhân may. Chị được tuyển vào Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè sau khi vượt qua vòng “sát hạch” may một chiếc áo sơ mi dài tay bằng vải kaki.
Thời điểm đó, Hà nghĩ chỉ làm tạm thời công nhân may rồi tìm việc khác. Tuy nhiên nhà máy có nhiều hoạt động, những thử thách trong công việc cần chinh phục đã khiến cô gái trẻ dần yêu thích công xưởng. Vốn nhanh nhẹn, chị bắt nhịp nhanh, được cấp trên giao may các mẫu mới, trong khi nhiều người ngại chuyển công đoạn mới vì không quen tay, năng suất giảm, lương thấp.
“Cảm giác hoàn thành tốt một công đoạn khó khiến mình rất vui”, chị Hà nhớ lại. Lúc đó, để động viên lao động trong xưởng, giám đốc bỏ tiền túi treo thưởng cuối năm cho người xuất sắc nhất. Nhiều năm liền, nữ công nhân đều giành tiền thưởng về tay. Ba năm sau, cấp trên cử thi thợ giỏi cấp thành phố, chị Hà cùng đồng đội nhận về giải ba tập thể. Từ thành tích đó, chị được chuyển sang khối kỹ thuật, chuyên hướng dẫn công nhân may các mẫu mới.
Để nâng cao kiến thức, chị đăng ký học cao đẳng công nghệ may. Các mẫu mới được chị triển khai nhanh, hàng xuất đi được đối tác đánh giá cao. Với sự nỗ lực không ngừng, chị được lãnh đạo cất nhắc qua nhiều vị trí từ trưởng ca, quản đốc và hiện là giám đốc khu sản xuất 1 với gần 800 công nhân, chuyên làm hàng veston, sản phẩm cao cấp của may Nhà Bè.
Nữ giám đốc Huỳnh Thị Ngọc Hà nói chính xuất phát điểm là công nhân trực tiếp sản xuất đã giúp bản thân luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi nâng cao trình độ. Trong quản lý, chị đối đãi với cấp dưới chân tình, chú ý phát triển những cá nhân nhiều nỗ lực với công việc. Điều này góp phần giúp tập thể xưởng đồng lòng, luôn hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ.
Cách may Nhà Bè hơn 20 km, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, 40 tuổi, xưởng trưởng sản xuất quy mô hơn 1.000 công nhân của Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng bắt đầu từ vị trí công nhân sản xuất tại khâu chặt.
Năm 2000, tốt nghiệp phổ thông, gia đình khó khăn, chị đành từ bỏ giấc mơ đại học để làm công nhân. Vốn yêu thích ngoại ngữ, mỗi tối chị đạp xe hơn 10 km từ chỗ ở trọ ở Bình Tân sang quận 6 để học thêm tiếng Anh. Duy trì một thời gian, nhận thấy ở xưởng có nhiều quản lý người Đài Loan, chị chuyển sang học tiếng Hoa để dễ hỏi chuyện mỗi khi gặp vướng mắc công việc.
Ngoài giao tiếp tốt, trong công việc chị luôn nỗ lực hoàn thành tiến độ, không ngại khó khi được giao việc mới. Khi tổ trưởng sản xuất nghỉ việc, chị được cất nhắc lên thay rồi trải qua các vị trí phó khoa, trưởng khoa, chủ nhiệm rồi xưởng trưởng sản xuất, tương đương giám đốc khối hành chính.
Từ lúc làm tổ trưởng, chị Trang học cách quản lý để mọi người đồng lòng, nỗ lực trong công việc. Xuất thân từ công nhân, chị hiểu những vấn đề lao động quan tâm nên luôn minh bạch đơn giá sản phẩm, chấm công rõ ràng. Ngoài ra, chị chú trọng đào tạo và khuyến khích cấp dưới đi học, nâng cao trình độ, đề xuất nhiều công nhân lên các vị trí cao hơn.
Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, nói rằng nhờ quản lý tốt, xưởng của chị Trang luôn là tập thể có thành tích ấn tượng trong sản xuất. Chị được công nhân tin tưởng, “tiếng lành đồn xa” nhiều người khi ứng tuyển vào Pou Yuen thường xin về “xưởng chị Trang” làm việc.
Theo bà Liên, để có được những quản lý giỏi như chị Trang, nhà máy luôn quan tâm bồi dưỡng đào tạo lao động tại chỗ. Việc này xuất phát từ thực tế, Việt Nam là một trong những nước tốp đầu thế giới về sản xuất giày dép nhưng hơn 20 năm qua, gần như không có trường đào tạo nhân lực cho ngành giày. Để có cán bộ quản lý, công ty phải đào tạo nội bộ, tuyển những người có tay nghề, nhiều kinh nghiệm. Hơn 90% cán bộ và quản lý đều trưởng thành từ công nhân.
Để hỗ trợ chuyên môn cho những cán bộ như chị Trang, công ty mẹ – Tập đoàn Pou Chen tổ chức lớp học quản lý sản xuất, tính toán chi phí giá thành. Ngoài ra, công đoàn cũng tổ chức các lớp học nghề, ngoại ngữ, phối hợp với các trường đại học mở các chương trình đào tạo hệ vừa học vừa làm ngay tại nhà máy để người lao động có cơ hội nâng cao trình độ.
Tương tự, để phát triển nguồn cán bộ quản lý tại chỗ, ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng giám đốc may Nhà Bè, nói trong quá trình làm việc cán bộ quản lý luôn chú ý những nhân tố mới thông qua tinh thần làm việc, yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với công ty. Doanh nghiệp có những tiêu chí rõ ràng để đánh giá năng lực nhân viên. Ngoài ra, nhà máy mở diễn đàn sáng kiến cải tiến vừa là sân chơi cho công nhân cũng là nơi để cấp trên phát hiện người sáng dạ, chịu khó học hỏi.
Để khuyến khích công nhân nâng cao trình độ, may Nhà Bè có chương trình cấp học bổng, hỗ trợ chi phí cho công nhân theo đuổi giấc mơ đại học. “Trường càng danh tiếng, số tiền hỗ trợ càng lớn”, ông Lân nói. Người học xong được tăng lương, xếp vào cán bộ nguồn, giúp doanh nghiệp không bị động tìm vị trí lãnh đạo khi nhà máy mở rộng sản xuất. Ngoài chị Ngọc Hà, hàng trăm cán bộ quản lý ở nhà máy đều trưởng thành từ công nhân.
Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Thị Thủy nói rằng hai ngành dệt may, da giày sử dụng gần 3,5 triệu lao động, song các trường đào tạo nghề cho ngành rất ít. Các nhà máy phải đào tạo tại chỗ, chú trọng phát triển cán bộ quản lý từ công nhân trực tiếp sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho hay thành phố có nhiều chương trình khuyến khích công nhân nâng cao tay nghề để có chỗ đứng vững chắc trong công việc và nhà máy. Trong đó phải kể đến cuộc thi nâng bậc thợ, tìm kiếm bàn tay vàng, giải thưởng Tôn Đức Thắng vinh danh thợ giỏi, có nhiều sáng kiến công việc. Hơn 20 năm qua, khoảng 230 công nhân được vinh danh, nhiều người lên làm quản lý ở doanh nghiệp.
Lê Tuyết – Nguồn: vnexpress.net
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...