DÂN SINH
PGS. TS Nguyễn Đức Lộc: Cần những quyết sách, trợ lực từ chính phủ dành cho người lao động di cư
SLO – Nhìn lại hành trình lịch sử 30 năm Việt Nam đổi mới tính từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay… Một trong những điểm nổi lên rõ nét trong cuộc chuyển biến đó là những làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị của những nông dân để tham gia làm công nhân tại những khu công nghiệp tập trung… Là chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về đời sống xã hội, sinh kế công nhân thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (SocialLife) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích xung quanh chủ đề này.
* Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, có thể nói, nguồn lực quốc gia được tập trung vào các khu vực trọng yếu để trở thành lực hút nhà đầu tư và kéo theo dòng người di cư đổ về mưu sinh, qua đó phát triển các khu kinh tế trọng điểm… Với góc độ một chuyên gia nghiên cứu về đời sống xã hội, ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Đúng vậy, với tiềm năng ưu đãi và nhiều cơ chế chính sách đặc thù, các vùng kinh tế trọng điểm trở thành nơi quy tụ nguồn nhân lực của cả nước về làm ăn sinh sống, trở thành những vùng đất dễ kiếm sống hơn so với những khu vực khác. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc phát triển kinh tế theo trọng điểm cũng là nguyên nhân dẫn đến phát triển không đồng đều giữa các khu vực, bởi vì nguồn lực đầu tư và chiến lược đầu tư vốn dĩ tập trung theo trọng điểm nhiều hơn.
Thế cho nên, những khu vực trọng điểm đã trở thành điểm hút hấp dẫn kéo những người từ nông thôn di cư lên thành thị để làm ăn, sinh sống. Trong bối cảnh, kinh tế nông nghiệp vốn dĩ không mang lại giá trị cao nay còn eo hẹp hơn khi vắng bóng những lao động chính trong các gia đình nông dân. Về khía cạnh kinh tế, mặc dù chúng ta tự hào rằng Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng người nông dân của chúng ta vẫn thuộc dạng nông dân nhỏ lẻ (peasant), do đó cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình cũng không thật sự cao. Cạnh đó, đặc điểm xã hội này sẽ kéo theo hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục cũng chậm phát triển. Từ đó làm xuất hiện một động lực di cư để mưu cầu cuộc sống được đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội tốt hơn cho bản thân người nông dân và cho gia đình họ.
* Việc dòng người di cư vào các vùng kinh tế trọng điểm để mưu sinh hay một cách nhìn khác: Điểm đến của người dòng người di cư trong quá khứ nay lại trở thành điểm xuất cư, ở góc độ xã hội cũng như về môi trường và các mặt khác, điều này đã mang lại giá trị gì và liệu có gây nên sự mất cân đối hay không?
Ở trong vùng kinh tế trọng điểm vốn được đầu tư vượt trội cũng mang đến nhiều cơ hội về học hành, chăm sóc sức khỏe, cùng các tiện ích về tiêu dùng và giải trí mà vùng nông thôn chắc chắn không có nhiều cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác khá quan trọng cũng góp phần thúc đẩy những dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị là tập tính ứng xử của người lao động trong nền kinh tế nông thôn bao năm qua xoay vòng thời gian với kinh tế thời vụ. Chính vì lẽ đó, hạ tầng đô thị luôn luôn trong tình trạng quá tải vì lượng người đổ về thành thị ngày càng lớn, theo nguyên tắc sinh tồn và trong khi khu vực nông thôn lại trở nên ngày càng thưa thớt. Những vùng đất được xem là điểm đến của người dòng người di cư trong quá khứ nay lại trở thành điểm xuất cư và ngày càng gia tăng về sau.
Những dòng di cư lớn về đô thị kiếm sống đã tạo ra sức ép lên mức sống, dẫn đến những cuộc thảo luận, đình công để đòi hỏi điều chỉnh lương cho phù hợp với mức sống. Có lẽ, chính vì vậy các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra chiến lược tính lương cơ bản vùng theo bốn bậc. Ở khía cạnh nào đó, mô hình phát triển kinh tế trọng điểm vẫn chiếm ưu thế trong các quyết sách lớn ở Việt Nam hiện nay.
* Nói như thế nghĩa là mô hình phát triển kinh tế trọng điểm cũng cần được nhìn nhận lại, thưa ông?
Trong các nghiên cứu gần đây của chúng tôi, kết quả khảo sát cho thấy có đến 60% doanh nghiệp là các nhà máy sản xuất không yêu cầu người lao động bất cứ điều kiện nào miễn là có sức khỏe. Điều này cho thấy người lao động lớn tuổi đang đuối sức trong cuộc cạnh tranh sinh tồn nơi phố thị. Nhiều người lao động vì để duy trì mức sống cơ bản trong cuộc mưu sinh đã phải chấp nhận ký hợp đồng linh hoạt nhận khoản thu nhập theo sản phẩm thay vì hợp động lao động. Điều này cũng đồng nghĩa ngoài khoảng thu nhập theo sản phẩm ra họ không có bất cứ khoảng phúc lợi nào. Có thể hiểu họ đang làm dịch vụ, nhưng không phải loại hình dịch vụ buôn bán đường phố, chạy xe công nghệ mà là họ đang làm dịch vụ cho các doanh nghiệp và ăn lương theo sản phẩm. Nếu có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp dễ dàng cắt hợp đồng dịch vụ bởi vì bản chất của hợp đồng dịch vụ là thuê lao động theo nhu cầu.
Nhìn một cách tổng thể, trong hơn 30 năm qua kể từ sau 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách phúc lợi toàn dân. Tuy nhiên, nếu xét theo từng nội dung cũng như đối tượng cụ thể, một số chính sách dường như vẫn chưa đến được với đại đa số người lao động, nhất là lao động di dân hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bởi trong bối cảnh hiện nay, lao động di dân dường như chưa nhận được nhiều chính sách bảo trợ tại địa phương nơi họ kiếm sống và làm việc mặc dù chúng ta không thể phủ nhận rằng những đóng góp của họ đã góp phần vào sự phát triển.
* Trong tình cảnh hiện nay, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của người lao động di cư? Trước tình hình công ăn việc làm ngày càng khó khăn, liệu người lao động di cư có nên hồi hương tìm kế sinh nhai nơi quê nhà?
Nếu tính từ những năm 1990, các khu công nghiệp như Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM)… được hình thành và phát triển, có thể coi là thành tựu của mô hình vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ mặt hạ tầng đô thị ngày càng văn minh, điều kiện mức sống của người dân không ngừng tăng. Nhưng sau 30 năm phát triển, vai trò của người lao động di cư trở nên trọng yếu trong nền kinh tế nhưng cũng cho thấy sự mong manh. Người lao động di cư mang trên mình gánh nặng hai đầu đô thị và nông thôn.
Với đô thị, nguồn lao động phổ thông quan trọng bậc nhất cho các khu công nghiệp; là những “mao mạch” duy trì nền kinh tế phi chính thức ở các đô thị (khu vực kinh tế phi chính thức ở TPHCM có thể chiếm tới hơn 30%). Đã có lúc, hai siêu đô thị Hà Nội, TPHCM, hay các khu công nghiệp ở Bình Dương thiếu người lao động di cư, dù chỉ một tuần.
Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay, với sự phát triển vượt bậc và liên tục của nền kinh tế thế giới trong tiến trình tự động hóa, số hóa. Những mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng triệu người lao động cũng đang tiến trình giải cơ cấu để nhường chỗ cho một cấu hình công nghiệp phát triển mới. Đặc biệt, những người lao động giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới nay cũng đã bước sang tuổi trung niên. Họ cũng đang chênh vênh, rơi vào tình thế lưỡng nan khi “chưa đến tuổi hưu nhưng cũng trực chờ hết tuổi nghề”. Trước tình hình công ăn việc làm ngày càng khó khăn, tình thế lại bắt buộc họ phải đi tìm một công việc khác như thể phải bắt đầu cho chương thứ hai của cuộc đời, hoặc phải đưa ra quyết định hồi hương tìm kế sinh nhai nơi quê nhà, với gánh nặng tuổi già không bảo hiểm xã hội, không dự trữ vì đã trót rút bảo hiểm xã hội hay tiêu bớt đi những khoảng dành dụm từ cuộc tha hương, mưu sinh.
* Thưa ông, vậy cần giải pháp trợ giúp nào cho lực lượng lao động di cư?
Xét trên bình diện xã hội, người lao động không thể tự xoay chuyển cuộc đời mình trong lúc bí bách. Vì vậy, rất cần những quyết sách, trợ lực lớn từ Chính phủ và doanh nghiệp. Vì suy cho cùng, những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế nước nhà hôm nay có sự đóng góp âm thầm của hàng triệu người lao động này. Tuy nhiên, các vấn đề về an sinh xã hội cho những người lao động lớn tuổi hồi hương, hay bám trụ với thành thị ở khu vực kinh tế phi chính thức có vẻ dường như chưa được tính tới một cách thấu đáo.
Tại các địa phương ngoài các vùng kinh tế trọng điểm, các nhà máy, khu công nghiệp đã mọc lên cùng với chủ trương “ly nông bất ly hương” nhằm tạo ra những điểm thu hút người dân trở về quê làm với mức lương tối thiểu theo vùng thấp hơn khu vực trọng điểm nhưng chi phí tiêu dùng thấp hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc rằng những khu công nghiệp, nhà máy sản xuất dường như được mô phỏng lại những mẫu hình thành công của vùng kinh tế trọng điểm để rồi hàng triệu người lao động lại tiếp tục vào vòng xoáy của công việc gia công với các mặt hàng, dệt may, da giày, điện tử mà không tính đến những lợi thế đặc thù của từng địa phương.
Bao lâu nay, chúng ta ít nhiều xem nhẹ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong khi các quốc gia phát triển khác, người ta phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp và đều mang lại thành tựu phát triển tốt. Ở các tỉnh nông thôn hiện nay, các chính quyền địa phương đã quy hoạch phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn, chủ yếu sản xuất gia công và nông nghiệp dường như bị xem là trở lực cản trở sự phát triển khi không có nhiều đóng góp vào GRDP địa phương.
Xin cám ơn ông!
Anh Huy – Nguồn: hcmcpv.org.vn
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...