ẤN PHẨM
Thông báo phát hành sách “Xã hội học báo chí” của PGS. TS Trần Hữu Quang
SLO – Cuốn “Xã hội học báo chí” của PGS. TS Trần Hữu Quang vừa được tái bản lần thứ hai bởi NXB Khoa học xã hội và Viện SocialLife (có bổ sung và cập nhật).
Lời nói đầu
Trong vài thập niên gần đây, người ta chứng kiến những bước thay đổi mạnh mẽ chưa từng thấy của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trong lãnh vực truyền thông thính thị điện tử và Internet. Các tiến bộ kỹ thuật trong các lãnh vực ấn loát, xuất bản, tin học, viễn thông đã trở thành những “đôi hia bảy dặm” giúp cho các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển và xâm nhập vào hầu như mọi lãnh vực trong đời sống xã hội – từ kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, cho đến chuyện học hành, giải trí, du lịch…
Nếu truyền thông nói chung là điều kiện tồn tại tất yếu của các xã hội vào bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thì truyền thông đại chúng là một hiện tượng mới xuất hiện trong xã hội loài người, đặc biệt trong thế kỷ 20. Định chế truyền thông đại chúng là một trong những nét đặc trưng nổi bật nhất của các xã hội hiện đại. Nó làm thay đổi mọi mặt trong đời sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ phương pháp tư duy, tập quán sinh hoạt cho đến các mối quan hệ giữa con người và con người. Có thể nói mà không sợ cường điệu rằng sự có mặt của các phương tiện truyền thông đại chúng làm cho người ta không còn sống như trước được nữa, và bộ mặt của xã hội cũng không ngừng biến đổi.
Chính vì tính chất hết sức mới mẻ trong sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng mà giới học thuật đã tốn khá nhiều công sức và giấy mực để khảo sát, phân tích và tranh cãi không ngớt về vai trò cũng như về tác động của các phương tiện này trong xã hội hiện đại.
Có những tác giả như McLuhan từng đưa ra quan điểm lạc quan về vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, coi đây là những công cụ có khả năng liên kết cả loài người vào trong một thứ cộng đồng điện tử mới mà ông ta gọi là “ngôi làng toàn cầu”. Trong khi đó, một số tác giả khác như Adorno, Horkheimer hay Marcuse lại đưa ra một cái nhìn hoài nghi mang tính chất phê phán, và cảnh giác rằng làn sóng vũ bão của thế giới truyền thông có thể làm cho con người trở nên tha hóa trong chính xã hội mà mình đang sống, làm cho xã hội trở thành một thứ “xã hội đại chúng” trong đó ai cũng suy nghĩ như nhau và không còn khả năng tư duy độc lập. Nhưng về sau xuất hiện quan điểm của những tác giả như Habermas cho rằng, mặc dù có thể có những ảnh hưởng tiêu cực của lô-gic thương mại hóa trong xã hội tư bản chủ nghĩa, nhưng ý nghĩa quan trọng sâu xa của định chế truyền thông đại chúng là nó có khả năng tham gia vào việc xây dựng một “không gian công cộng” hết sức thiết yếu cho sinh hoạt dân chủ của một xã hội hiện đại.
Ở Việt Nam, cho đến nay, lãnh vực nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng chưa được triển khai nhiều. Vì thế, cuốn sách này là một nỗ lực mang kỳ vọng đóng góp một phần nào đó vào việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về một lãnh vực vốn đang hết sức sôi động và cần thiết cho quá trình phát triển đất nước. Đây là kết quả của những năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy về xã hội học truyền thông đại chúng, cũng như của thời gian đi làm báo và viết báo mà tác giả may mắn có cơ hội trải qua. Tiền đề của cuốn sách này là một tập giáo trình mang tên Xã hội học về truyền thông đại chúng mà tác giả đã biên soạn cho khoa xã hội học tại Đại học Mở-bán công Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1997, nay được hiệu chỉnh và bổ sung thêm nhiều tài liệu và nhận định mới.
Xã hội học báo chí là một bộ phận của bộ môn xã hội học về truyền thông đại chúng. Cách tiếp cận xã hội học đối với báo chí nói riêng cũng như đối với truyền thông đại chúng nói chung về căn bản không có khác biệt lớn. Nội dung cuốn sách này thực chất là trình bày về xã hội học truyền thông đại chúng, nhưng có chú trọng nhiều hơn tới lãnh vực báo in. Chính vì lẽ đó mà tập sách mang tên Xã hội học báo chí. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, tác giả cũng đề cập tới những lãnh vực truyền thông khác như phát thanh và truyền hình, cũng như tới quá trình truyền thông đại chúng nói chung.
Mục tiêu của tập sách là trình bày những nội dung chính yếu của bộ môn xã hội học truyền thông đại chúng, trong đó bao gồm cách tiếp cận xã hội học đối với các quá trình truyền thông, đối với nghề làm báo và hoạt động của nhà báo, những quan điểm và những phương pháp phân tích xã hội học về công chúng truyền thông và nội dung truyền thông, cũng như về các tác động xã hội của truyền thông đại chúng. Chúng tôi cố gắng lược thuật một số kết quả nghiên cứu của những trường phái lý thuyết chính trên thế giới hiện nay trong lãnh vực xã hội học này, đồng thời trong nhiều trường hợp cũng đề cập tới những đặc điểm trong sự phát triển của truyền thông đại chúng ở Việt Nam. Mong ước của chúng tôi là làm sao giới thiệu được một lối nhìn (hay đúng hơn, một lối tư duy) phân tích xã hội học về hiện tượng truyền thông đại chúng nói chung, cũng như về đời sống báo chí nói riêng.
Tác giả chân thành cám ơn các nhà báo Võ Như Lanh, Đặng Thanh Tâm, Đoàn Khắc Xuyên, Dương Thanh Thủy, Công Thắng, Quốc Vĩnh, Nguyễn Vạn Phú, Huy Đức – những người đã dành thời gian ít ỏi của mình để đọc bản thảo cuốn sách này và nêu ra nhiều ý kiến đóng góp và phản biện xác đáng về nội dung cũng như về cấu trúc, mà nếu không có những ý kiến ấy thì chắc hẳn cuốn sách không mang diện mạo như bây giờ. Tuy nhiên, nếu nội dung vẫn còn những thiếu sót, thì điều đó hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của tác giả. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng tri ân đến ban biên tập, phóng viên và nhân viên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn – vốn là những người đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi trong hơn mười năm trời – đã tạo điều kiện và thúc đẩy chúng tôi hoàn tất công trình này, cùng nhiều nhà báo ở các tờ Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải phóng, Người lao động, Pháp luật TP.HCM, Thanh niên… mà chúng tôi từng có dịp trao đổi và học hỏi về kinh nghiệm làm báo qua những lần tiếp xúc, gặp gỡ. Tác giả cũng chân thành cám ơn Khoa Xã hội học, Khoa Nhân học và Khoa Báo chí ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đại học Mở-bán công TP.HCM và Viện Xã hội học đã khuyến khích chúng tôi cho ra đời tập sách này. Một sự thật cũng không thể phủ nhận là chính những câu hỏi và những chất vấn mà nhiều sinh viên nêu ra trong khuôn khổ giảng đường đã thực sự là những động lực thúc bách chúng tôi hoàn chỉnh và đào sâu những luận điểm nêu ra trong tập sách. Tác giả cũng thành thực cám ơn Nhà xuất bản Trẻ đã giành nhiều nỗ lực và thiện chí quí báu cho công trình này được chào đời và ra mắt trước công chúng.
Công trình này chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết hoặc thiếu sót, vì thế tác giả thành thực mong mỏi nhận được những ý kiến phê bình và chỉ giáo.
Trần Hữu Quang (Trích lời nói đầu Xã hội học Báo chí, 2023)
Thông tin chi tiết
Công ty phát hành: Viện Social Life
Ngày xuất bản: 2023-01-28 14:04:10
Loại bìa: Bìa mềm
Số trang: 531
Nhà xuất bản: NXB KHXH
Giá bìa: 230.000 đ
Đã có trên Tiki. Link đặt sách: Xã hội học báo chí – Trần Hữu Quang
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...