XÃ HỘI
Thủ đoạn lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi
SLO – Trên mạng xã hội, có rất nhiều hình thức lừa đảo. Theo các chuyên gia, các chiêu thức lừa đảo đều giống nhau ở chỗ đánh vào lòng tham hoặc lòng thương cảm.
Chiêu lừa đánh vào lòng trắc ẩn
Trên các trang, nhóm hội đồng hương trên mạng xã hội Facebook thường xuất hiện các bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện để hỗ trợ các bệnh nhi khó khăn. Chủ trang, nhóm thường chia sẻ các trường hợp bệnh nhi tử vong, gia đình không có tiền lo mai táng và kêu gọi quyên góp. Các bài viết đều đăng kèm hình ảnh chứng nhận của bệnh viện và dùng nhiều tài khoản ảo để tương tác.
Mới đây nhất, trang của hội đồng hương tỉnh Ninh Thuận kêu gọi ủng hộ tiền mai táng cho bệnh nhi N.T.N.P. (sinh năm 2013, quê ở tỉnh Ninh Thuận), bị tử vong do viêm não mô cầu ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Trước đó, trang của hội đồng hương tỉnh Quảng Ngãi cũng đăng bài kêu gọi ủng hộ tiền mai táng cho bệnh nhi N.H.S. (sinh năm 2020, quê ở tỉnh Quảng Ngãi), bị tử vong do ung thư não tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM). Đáng nói là, tài khoản nhận tiền ủng hộ cho các bệnh nhi trên là của cùng một người có tên Lê Thị Bích Ngọc.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đều cho biết, giấy chứng nhận được đăng trong các bài kêu gọi từ thiện trên là mạo danh bệnh viện. Các giấy tờ này đều được scan con dấu, gán ghép nội dung tình trạng bệnh.
Tuyển cộng tác viên, lập trang web giả
Một trong những hình thức lừa đảo khá phổ biến trong thời gian qua là tuyển dụng làm việc online. Gửi đơn tới cơ quan chức năng, chị T.T.L. (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) kể, hồi tháng Năm, chị nhận được lời mời làm việc online để tăng thu nhập. Công việc cụ thể là thanh toán các đơn hàng trên trang thương mại điện tử Shopee qua hình thức chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng được cho trước nhằm tăng mức tín nhiệm cho cửa hàng trên Shopee.
Với mỗi nhiệm vụ thành công – tương ứng với 1 lần thanh toán đơn hàng – chị T.T.L. sẽ nhận được 10% tiền hoa hồng, được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của chị. Lần thứ nhất, chị được yêu cầu thanh toán đơn hàng là 1 chân váy, trị giá 300.000 đồng. Sau khi thanh toán thành công, chị nhận được 330.000 đồng. Lần thứ hai, chị được yêu cầu thanh toán 1 nồi cơm điện trị giá 840.000 đồng và nhận lại 924.000 đồng. Lần thứ ba, chị thanh toán đồng hồ đeo tay trị giá 1 triệu đồng nhưng lần này, chị không nhận được tiền.
Chị liên hệ với tổng đài viên thì được trả lời nhập sai nội dung chuyển tiền và yêu cầu chị L. tiếp tục thanh toán 5 đơn hàng tiếp theo. Kết quả, sau khi chuyển 26 triệu đồng mà vẫn không thấy hoàn tiền, chị mới biết mình bị lừa và gửi đơn tố cáo.
Cuối tuần qua, Công an TP Hà Nội cũng cảnh báo về trường hợp 1 phụ nữ bị lừa hơn 100 triệu đồng khi làm cộng tác viên bán hàng online. “Khi làm cộng tác viên, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an” – Công an TP Hà Nội lưu ý.
Công an TP Hà Nội cũng phát giác hoạt động giả mạo website các công ty chứng khoán để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng đề nghị cá nhân truy cập vào các đường liên kết (link) có giao diện giống với giao diện trang web của các công ty chứng khoán để mua bán các mã chứng khoán. Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng được chỉ định, nhà đầu tư bị mất hết số tiền đã chuyển.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Một chuyên gia phòng chống tội phạm công nghệ thông tin cho biết, lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, có tổ chức. Dù cách tiếp cận có thể khác nhau nhưng phổ biến nhất là hình thức yêu cầu mua hàng để được hoàn tiền kèm hoa hồng. Sau vài lần có lãi, số tiền được yêu cầu chuyển (để mua hàng) ngày càng tăng và do chưa nhận lại được vốn lẫn hoa hồng, nạn nhân phải cố gắng theo đuổi để gỡ lại số tiền đã chuyển, cho tới khi không còn khả năng.
Các đối tượng lừa đảo thường dùng sim rác, xài 1 lần rồi vứt. Các tài khoản ngân hàng mà nạn nhân chuyển tiền vào cũng không phải chính chủ mà là tài khoản mua lại. Do đó, nếu truy đến cùng thì người đứng tên tài khoản ngân hàng cũng hoàn toàn không biết gì, thậm chí cũng không rõ đã bán tài khoản cho ai và ở đâu.
Mới đây, trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội – cho biết, cơ quan này đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với tổng tiền ước tính hàng ngàn tỉ đồng. Các đối tượng chủ mưu là người nước ngoài, thuê rất nhiều người các nước khác cùng thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, chúng chia sẻ nhỏ, gửi qua nhiều tài khoản, sau đó gửi về 1 tài khoản chính để quy đổi thành tiền mặt.
Do đó, ông Nguyễn Hải Trung đề nghị, cần có cơ chế phối hợp để đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để ngăn chặn việc sử dụng tài khoản giả. Các tổ chức cung cấp tài khoản và dịch vụ giao dịch điện tử phải đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng. Ông cũng kiến nghị, phải nghiêm cấm hoạt động mua bán tài khoản, sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng.
Nhận diện trang web giả bằng tên miền
Kỹ sư Trần Việt Pháp – chuyên gia bảo mật của một hệ thống bán lẻ ở TPHCM – cho biết, các trang web giả mạo thường có giao diện giống trang thật, nhưng tên miền (domain) không giống. Những tên miền có đuôi .info, .asia, .vip, .tk, .xyz thường có độ tin cậy khá thấp. Các trang web có tên miền sai chính tả, có ký tự lạ, có chữ “à”, tên miền dài bất thường dễ có nội dung độc hại hoặc lừa đảo, cần thận trọng khi truy cập.
Ông cho hay, hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có 1 cổng thông tin để nhận diện trang web lừa đảo, đó là tinnhiemmang.vn. Nếu nghi ngờ 1 trang web là lừa đảo, người dân chỉ cần truy cập vào cổng thông tin này để kiểm tra. Nếu đó là trang web lừa đảo, cổng thông tin sẽ có khuyến cáo.
Huyền Anh, Sơn Vinh – Nguồn: phunuonline.com.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...