ĐỜI SỐNG XÃ HỘI SỐ

DÂN SINH

Thực trạng những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn Trung Quốc

Tháng Sáu 15, 2023 8:52 sáng
Chia sẻ
Share

SLO – Người nông thôn đến thành phố mưu sinh với khát khao thay đổi số phận. Nhưng những đứa trẻ ở lại phải chịu nhiều đắng cay. Từ đó hình thành nên thực trạng trong xã hội Trung Quốc: “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”.

tre em suy dinh duong 20190918003509471

Ảnh: Internet

Phương Điềm Điềm nhớ lại nỗi đau về thuở nhỏ bị cha mẹ bỏ lại ở một ngôi làng ở tây nam Trung Quốc. Giờ đây, khi đã 30 tuổi, cô hiểu tại sao bố mẹ lại làm vậy. Phương chính là một ví dụ trong thực trạng “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”.

 “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”

“Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn” (Left-behind children in China) là một cụm từ dần rộ lên trên khắp Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20, đã khơi dậy sự quan tâm và bàn luận của toàn xã hội. Sau đó, một số người đã gọi những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn là “trẻ mồ côi không chính thức” khi sống tách biệt với bố mẹ ngay từ nhỏ.

Thực trạng trẻ em bị bỏ rơi chính thức được xã hội quan tâm vào năm 1999 vì dường như đã trở thành một vấn nạn. Trẻ em bị bỏ lại ở nông thôn ở Trung Quốc chủ yếu có đặc điểm: Số lượng đông và không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao. 

Mặc dù những năm gần đây số trẻ em bị bỏ rơi đã giảm nhưng số lượng vẫn còn rất lớn. 

Năm 2013, số trẻ em bị bỏ lại nông thôn lên đến 61 triệu, một con số đáng báo động.

Tính đến tháng 8/2018, có ít nhất 7 triệu trẻ vị thành niên sống khác thành phố với cha mẹ, giảm so với con số 9 triệu vào năm 2016, theo Bộ Dân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, độ tuổi của bộ phận này đang dần bị trẻ hóa.

Vòng lặp của thực trạng “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”

Vào đầu những năm 1990, quê nhà Quý Châu của Phương Điềm Điềm quá nghèo khó nên cách duy nhất để thoát nghèo chính là tìm một công việc trong thành phố.

Nhưng những tổn thương mà cô phải chịu thật sự quá lớn. Chỉ có ông bà lớn tuổi chăm sóc, cô chỉ có thể tự mình lớn khôn. Phương trở nên trầm tính và thu mình, hiểu rõ trên đời này bản thân không thể nương tựa vào bất kỳ ai.

“Kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong đời, tôi đã nghĩ rằng mình sắp chết”, Phương ngậm ngùi kể lại.

Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, Phương cuối cùng cũng tiếp bước cha mẹ mình. Ngay sau khi sinh con, cô và chồng trở lại làm việc ở Thượng Hải, để lại đứa con gái nhỏ ở Quý Châu, xa xôi hơn 2.000 km.

Vòng lặp này cứ mãi tiếp diễn ở vùng nông thôn Trung Quốc. Khi làn sóng di dân ồ ạt đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1990, sự kết hợp của rào cản kinh tế và chính sách ngăn cản người lao động đưa con cái đến thành phố.

Kết quả là, hàng triệu bậc cha mẹ và con cái phải sống tách biệt để tiếp tục công việc lương cao ở thành thị. Xu hướng này đang tạo ra một thế hệ thứ hai của “trẻ em bị bỏ lại nông thôn”. Chuyên gia lo ngại sẽ để lại những vết sẹo tinh thần khó chữa lành trong lòng những đứa trẻ này.

Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc không còn phân loại những đứa trẻ này thuộc nhóm trẻ em bị bỏ rơi, nhưng vẫn còn hàng triệu trẻ em nông thôn sống xa cha mẹ trong xã hội của đất nước tỷ dân.

Lữ Lập Đan, trợ lý giáo sư Nhân khẩu học tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn là một bộ phận rất lớn và có khả năng tồn tại lâu dài”.

Đối với nhiều lao động đến từ nông thôn, chế độ hộ tịch (hay hộ khẩu) của Trung Quốc vẫn là một trở ngại ngăn cản gia đình của họ hoàn toàn chuyển đến sống tại thành phố. Mặc dù người nông thôn ở Trung Quốc có thể tự do di chuyển đến các khu vực thành thị, nhưng họ vẫn không thể trở thành cư dân thường trú.

Điều này hạn chế người lao động nhập cư về việc hưởng các dịch vụ công quan trọng, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở… khiến những người sống nhờ vào đồng lương công nhân ít ỏi không thể cầm cự nổi ở chốn thành thị đắt đỏ.

“Không được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và nhà ở, con cái của họ bắt buộc phải ở quê. Những người cố gắng ở lại thành phố… cuối cùng chỉ trở thành người nghèo thành thị”, Lữ Lập Đan chia sẻ.

Xa mặt cách lòng, tình thân nhạt nhòa

Ở một số khu vực, gia đình tách biệt đã trở thành một thực tế của cuộc sống. Cha mẹ và con cái đã dần xem việc sống xa cách trong hầu hết thời gian trong năm là điều bình thường.

Phương thuật lại cuộc sống của cô như là một đứa trẻ “điển hình” đến từ Quý Châu. Sau khi bỏ học sớm, năm 16 tuổi, cô chuyển đến Thượng Hải làm việc trong một thẩm mỹ viện. 20 tuổi, cô về quê lấy chồng, sinh con gái nhưng lại rời đi khi con tròn 2 tuổi.

Vào thời điểm đó, Phương chưa bao giờ nghĩ đến việc ở lại Quý Châu để đồng hành cùng con. Bất chấp tuổi thơ bất hạnh của mình, cô cảm thấy làm việc xa nhà chính là điều mà mọi người nên làm.

Phương nói: “Hầu như nhân viên trong thẩm mỹ viện chúng tôi đều được ông bà nuôi dưỡng. Các con của chúng tôi hiện đang được ông bà chúng chăm sóc tại nhà”.

Tuy nhiên, các nghiên cứu liên tiếp đã phát hiện ra rằng, bất kể có gia cảnh tốt đến đâu, những đứa trẻ bị bỏ rơi tại nông thôn đều chịu tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Các chuyên gia nhận thấy trạng thái cảm xúc của chúng tiêu cực hơn những đứa trẻ khác và gặp khó khăn hơn trong giao tiếp. Nhiều người trưởng thành từ nhóm trẻ em bị bỏ rơi này cảm thấy oán hận cha mẹ sâu sắc, với hơn 10% cho rằng cha mẹ của họ đã “chết”.

Đối với Phương, hồi chuông báo động đã vang lên vào năm 2015, khi cô nhìn thấy tin tức chấn động 4 đứa trẻ bị bỏ rơi ở vùng nông thôn Quý Châu đã quyên sinh bằng cách uống thuốc trừ sâu. Phương còn sốc hơn khi biết những đứa trẻ từ 5 đến 13 tuổi đều cùng một thôn với cô.

Phương nói: “Tôi không thể giữ bình tĩnh được nữa. Một đứa trẻ phải tuyệt vọng đến mức nào để có thể kết liễu đời mình như vậy?”. Đêm đó, sau giờ tan tầm, Phương gọi điện về nhà để đảm bảo con gái mình ở quê vẫn ổn.

Nhiều người Trung Quốc cũng có phản ứng tương tự. Vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối trên toàn quốc và hoàn cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi được xuất hiện trên khắp báo đài. Đầu năm 2016, Quốc vụ viện Trung Quốc đặt mục tiêu “giảm đáng kể” số trẻ em bị bỏ rơi vào năm 2020.

Trong vài năm sau đó, chính quyền Trung Quốc đã thông qua một loạt cải cách nhằm khuyến khích đoàn tụ gia đình ở nông thôn. Chiến lược “phát triển nông thôn” nhằm tạo ra nhiều cơ hội việc làm, hỗ trợ người lao động kinh doanh.

Chính phủ cũng đã thực hiện một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt đối với chế độ hộ khẩu, cho phép các thành phố có dân số từ 1 triệu đến 3 triệu cho phép người ở vùng khác đến đăng ký thường trú. Các thành phố lớn, đặc biệt là các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, đương nhiên có những khó khăn đối với việc đăng ký hộ khẩu, nhưng đã tạo điều kiện cho trẻ em nhập cư đến trường dễ dàng hơn.

Cố gắng đưa con hòa nhập vào thành phố nhưng “lực bất tòng tâm”

Những nỗ lực này đã gặt hái được một số thành công. Năm 2019, ước tính có khoảng 8,5 triệu lao động nhập cư trở về quê hương, tăng lên đáng kể so với 2,4 triệu năm 2015. Nhiều người đã trở về quê hương của họ khi các nhà tuyển dụng ngày càng có xu hướng chuyển từ các vùng ven biển đến các tỉnh miền Trung Tây bộ Trung Quốc, nơi được xem có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn.

Song, quá trình này vẫn còn một chặng đường dài. Do sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các khu vực ở Trung Quốc, chẳng hạn như GDP bình quân đầu người của Thượng Hải gấp 3 lần so với Quý Châu nên người có ý định đến Thượng Hải làm việc chỉ đành miễn cưỡng trở về quê hương.

Đối với người mang thân phận nhập cư đến các thành phố lớn, việc nuôi dạy con cái vẫn là một thách thức khó khăn. Bất kể nhiều phụ huynh đã cố gắng đưa con đến thành phố sinh sống, họ thường buộc phải cho con trở về quê sau khi tốt nghiệp tiểu học vì nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn…

Khoảng 70.000 học sinh trung học cơ sở rời các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến mỗi năm để trở về vùng nông thôn Trung Quốc. Những “đứa trẻ chuyển trường” này hiện chiếm hơn 20% học sinh trường nội trú nông thôn. Chưa hết, các em thường dễ bị lạm dụng và bắt nạt.

Trong khi đó, ở một số làng quê, tình trạng gia đình sống cách biệt vẫn còn rất phổ biến.

Lựa chọn ở lại để con cái không bị bỏ rơi giống mình

Lưu Duyệt, hiệu trưởng một trường mẫu giáo nông thôn thuộc tỉnh Hà Nam, ước tính rằng khoảng 70/100 học sinh của cô là trẻ em bị bỏ lại. 

Mặc dù chồng của Lưu và nhiều người hàng xóm đều đi làm ở nhiều thành phố xa xôi, nhưng cô gái 27 tuổi này không hề nghĩ đến việc rời đi. Từng là đứa con bị bỏ rơi, cô cho biết sẽ không bao giờ rời xa con gái 2 tuổi.

“Một nửa số bạn bè của tôi ở vùng này sẽ không bỏ lại con cái vì chúng tôi đều hiểu cảm giác khi bố mẹ ở xa đau đớn đến mức nào. Chúng tôi không muốn con mình phải trải qua những điều tương tự”, Lưu nói.

Khi còn nhỏ, cô Lưu chỉ gặp bố một lần trong năm. Cô hớn hở nhớ lại sự vui mừng của mình khi bố về nhà mặc dù chỉ là vài ngày ngắn ngủi, thậm chí còn có sự rụt rè và ngại ngùng với người bố đã lâu không gặp mặt.

“Ngày đầu tiên, tôi chỉ dám nhìn bố từ xa. Ngày hôm sau, tôi mới dám cất tiếng gọi bố”, Lưu kể.

Trong nhận thức muộn màng, Lưu tin rằng sự vắng mặt dài hạn của bố đã góp phần gây ra những bất an trong lòng cô. “Tôi sợ nguy hiểm. Tôi cảm thấy nếu mình ngã xuống thì không có ai đỡ tôi dậy”, cô nói.

Lưu cho biết cô có thể dễ dàng biết được lứa học sinh mới có bố mẹ ở nhà hay đã đi làm ở thành phố. Giống như cô, những đứa trẻ bị bỏ rơi ở nông thôn thường thiếu tự tin, nhưng rất kiên cường và tự chủ.

“Nếu bị ngã, chúng sẽ không khóc. Chúng đứng dậy, phủi bụi bẩn trên quần áo và đi tiếp. Giống như nhìn lại chính mình khi còn bé”.

Với thân phận là hiệu trưởng, Lưu cố gắng hết sức hỗ trợ tinh thần cho những em học sinh không có bố mẹ kề bên này. Bởi vì chúng khát khao được yêu thương và chăm sóc, chúng thèm được ôm và dành thời gian bên người mẹ thứ hai là Lưu.

“Tôi biết những đứa trẻ bị bỏ rơi cần được giao tiếp và vỗ về, vì vậy tôi cố gắng dành cho chúng nhiều cái ôm mỗi ngày”, Lưu vui vẻ chia sẻ.

Lưu nói, tin tốt là công nghệ hiện đại đã giúp các bậc phụ huynh giữ liên lạc với con cái dễ dàng hơn, ngay cả khi sống cách xa nhau hơn 1.000km. Cô chụp rất nhiều ảnh các em học sinh học tập trong lớp và chia sẻ với phụ huynh vào thứ sáu hàng tuần thông qua ứng dụng xã hội WeChat.

Vì thế, Lưu cho rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi thuộc thế hệ thứ hai có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ hơn nhiều so với thế hệ của cô.

“Các ông bố bà mẹ thường sử dụng trang mạng trực tuyến để mua sắm và gửi đồ cho con ở quê. Nếu muốn, họ có thể nói chuyện bằng chức năng video call hầu như mỗi ngày. Khác với thời trước, chúng tôi không thể nói chuyện với bố mẹ, ngoại trừ vài ngày đoàn tụ ngắn ngủi”, Lưu vui vẻ nói về bước chuyển mới của thực trạng “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ lạc quan để nhìn nhận vấn đề như Lưu. 

Thời đại phát triển liệu có thể kết thúc vòng lặp “Những đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn”?

Giang Năng Kiệt, một nhà làm phim 35 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, nói rằng ở một khía cạnh nào đó, những đứa trẻ bị bỏ rơi bây giờ “khổ hơn” so với thời của anh.

Cuối những năm 1980, các xí nghiệp vẫn chưa hưng thịnh ở Trung Quốc, cơ hội việc làm không nhiều. Mãi đến năm 1995, mẹ của Giang mới quyết định rời khỏi nông thôn. Bà tìm được một công việc tại nhà máy ở Quảng Châu, cách quê nhà khoảng 600 km, và cha của Giang cũng đến Quảng Châu làm việc vài năm sau đó.

Giang kể lại: “Mẹ rời đi khi tôi chỉ mới 10 tuổi, nhưng ít ra tôi và mẹ cũng đã có nhiều tình cảm. Nhưng những đứa trẻ mà tôi đang quay phim này, cha mẹ đã đến thành phố khi chúng chỉ mới 1 tuổi”.

Trong những năm gần đây, Giang đã ghi lại cuộc sống của hàng chục gia đình ở quê hương mình. Không giống như Lưu, anh không thấy bằng chứng nào khẳng định những đứa trẻ bị bỏ rơi trước đây sẽ không bỏ rơi con cái sau khi chúng trưởng thành và làm cha mẹ.

Giang nói: “Những ông bố bà mẹ này vẫn không quan tâm đến con cái của họ. Họ nghĩ rằng chỉ cần bọn trẻ có cái ăn cái mặc thì mọi thứ đều ổn”.

Tuy nhiên, Giang vẫn không thể hiểu được loại thái độ này. Khi còn là một đứa trẻ, Giang và các anh chị em đều cảm thấy vô cùng chán chường và đau khổ mỗi khi mẹ trở lại Quảng Châu. Phải chờ đợi gần 12 tháng nữa, họ mới được gặp lại mẹ.

“Những bữa sáng ăn cùng nhau khi mẹ trở về, không ai lên tiếng nói chuyện. Có lẽ vì xa cách quá lâu, vừa ngại ngùng vừa có sự phai nhạt trong tình cảm. Sau đó, chúng tôi chỉ đứng ở cửa và nhìn bà rời đi mà không nói một lời. Tôi sẽ không bao giờ bỏ con mình ở lại như thế”, Giang nói.

Ở Thượng Hải, Phương và chồng không ngừng nhìn nhận lại bản thân nhiều năm qua. Thẩm mỹ viện làm việc 6 ngày trong tuần, từ 10h đến 23h nên Phương không có nhiều thời gian gọi điện cho con gái. Gia đình chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, cụ thể là 10 ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán.

“Mỗi lần trở về, tôi phát hiện con gái đã lớn hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi ngày càng ít giao tiếp hơn”, Phương buồn bã chia sẻ.

Trong trận đại dịch, Phương nhận ra mình cần phải thay đổi. Cuối cùng, cô đã dành hơn 2 tháng với con gái khi nhiều khu vực Trung Quốc bị phong tỏa trong dịp năm mới 2020.

Trong thời gian này, Phương đau lòng khi thấy đứa con 9 tuổi lấy trộm tiền của ông bà nội, sau đó nói dối một cách trắng trợn. Cô cũng nhận ra con gái không hề biết nói “KHÔNG” với người lạ. 

Đồng thời, Phương phát hiện, một số người trong thôn đã chuyển về nhà, bắt đầu kiếm sống bằng cách bán các sản phẩm nông nghiệp thông qua các nền tảng trực tuyến. Cô và chồng đã có một cuộc nói chuyện nghiêm túc và cuối cùng đồng ý đánh liều: Sau dịp lễ Tết năm 2021, hai vợ chồng sẽ trở về Quý Châu sống cùng con.

“Trước đây, bố mẹ tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mưu sinh ở thành phố. Nhưng bây giờ chúng tôi có nhiều cách để kiếm tiền ngay tại quê nhà. Vậy tại sao tôi phải bỏ rơi con gái để đến nơi khác?”, ánh mắt Phương bừng lên niềm tin về một tương lai tươi sáng.

PHAN (Nguồn: Sixthtone, 163, Sohu) – phunuvietnam.vn

changshin 1671 1714475644 1714 4551 3697 1714496071

SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...

kinh doanh cho gioi tre

SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...

xuat khau ld 16729989735061332499022

SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...

nguon anh 1

SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...

screenshot 1725561872392 1

SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...

6893 anhchupmanhinh2024 09 05082751 1

SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...

screenshot 1725559893515

SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...

z5799895367856 370b97b52f8f700abc5f5e17199f5317

SLO - Các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó...

Pirul 1715763820 1

SLO - Năm 2021, 2 chị em Nupur Poharkar và Sharvari Poharkar đã thành lập PIRUL Handicrafts để sản xuất...

bai thi sai gon du tru 321722059182 1

SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....

20231027 XHH Tri Thuc Biasach130x205 01 Copy

SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...

180502 day manh dao tao nghe cho nguoi khuyet tat UECC

SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...

7941 20230107051059 img 8864

SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...

4motgocnhocuathelighthousekhonggiandocdanhchonguoilonanhnamthihouse

SLO - Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm....

nguoi phu nu trong mua

SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...

vna potal 5 doan cong tac cua bhxh viet nam kiem tra don doc va thao go kho khan vuong mac trong trien khai goi ho tro tu quy bao hiem that nghi stand 1

SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...

244769967 617531236076238 7411439632355575596 n 5888

SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...

myphong 15488235502671856245315

SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...

nguoi lao dong

SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...