DÂN SINH
Tình trạng ngại sinh con ở các thành phố lớn
SLO – Theo Tổng cục Thống kê, tỉ suất sinh ở Việt Nam chỉ còn 2,01 con/phụ nữ; riêng ở TPHCM, tỉ suất sinh chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ. Ngại sinh con đang là xu hướng ở các đô thị lớn, được dự báo sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Không có người chăm con, chưa có nhà, công việc chưa ổn định… là những lý do khiến nhiều gia đình ở TPHCM ngại sinh con. Với tỉ suất sinh thấp như hiện nay, TPHCM có nguy cơ già hóa dân số nhanh, các gia đình dễ tan vỡ hạnh phúc, xã hội mất cân bằng.
Nuôi 1 đứa còn không nổi
Hồi đầu năm, vợ chồng chị Minh Ngọc – 34 tuổi, ở quận 7 – phải mất mấy tuần để xem xét việc có nên để đứa con trai tiếp tục sống với ông bà ngoại ở quê (tỉnh Phú Yên) hay đưa vào TPHCM. Bé Sinh năm nay 4 tuổi, đã ở với ông bà ngoại từ lúc chào đời.
Chị Minh Ngọc phân trần: “Con đã đến tuổi vào trường mẫu giáo. Nếu để cháu ở với ông bà ngoại và học ở quê thì vợ chồng tôi có điều kiện đi làm kiếm tiền. Nhưng như vậy thì biết bao giờ gia đình tôi mới sum họp được. Còn đưa con vô thành phố thì vợ chồng tôi không biết sẽ cáng đáng ra sao”.
Vợ chồng chị Minh Ngọc làm chung cho công ty phân phối hàng nhập khẩu, thường xuyên làm ca tối, không có thời gian chăm con. Để tiết kiệm tiền, nhiều năm qua, họ ở nhờ nhà người bà con của chồng chị Ngọc. Chị nói thêm: “Ở nhờ nhà họ, mình đi đứng cũng phải rón rén, nếu đưa con vô nữa thì phiền lắm”.
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, đầu tháng Ba vừa qua, vợ chồng chị Ngọc quyết định đưa Sinh vào thành phố, đăng ký cho con học mẫu giáo. Đó cũng là lúc chị quyết định xin nghỉ việc ở công ty để tiện chăm con. May là sau đó không lâu, chị tìm được công việc có thời gian ổn định, đưa đón con dễ dàng. Thu nhập của vợ chồng chị khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng không có dư do phải hỗ trợ gia đình bên chồng thường xuyên.
Hiện gia đình nhỏ của chị Ngọc được sum vầy, nhưng áp lực cuộc sống lại tăng thêm. Chị kể, mỗi lần con khóc, vợ chồng chị phải lật đật bế con ra ngoài đường, chờ dỗ nín mới bế vô nhà, kể cả lúc giữa đêm. Trước đây, vợ chồng chị thường xuyên ăn cơm tháng do nhà người quen bán quán cơm, giờ có con nhỏ, phải nấu nướng để con được đổi món, đủ dinh dưỡng. Bé Sinh chưa quen môi trường sống ở thành phố, trường lớp đông bạn bè khiến cậu nhút nhát, hay sợ hãi, thường đổ bệnh nên vợ chồng chị phải thay phiên nghỉ việc để chăm sóc, thu nhập cũng giảm nhiều.
Nghe hỏi về việc sinh thêm con, chị Minh Ngọc tròn mắt: “Chỉ 1 đứa mà vợ chồng tôi còn nuôi không xong, đâu dám nghĩ đến đứa thứ hai”. Cũng theo chị, nếu được chọn lại, chị sẽ chưa vội sinh, mà đợi có nhà cửa ổn định đã. Chị ngao ngán: “Bây giờ lo cho con học hành, không biết bao giờ mới mua được căn hộ. Thêm đứa nữa, không biết sao luôn”.
Biết có bầu là… hoảng
Ngày biết mình “cấn bầu” đứa thứ hai cách đây 4 năm, chị Tuyết – 35 tuổi, tạm trú ở quận 8 – mất ăn mất ngủ: “Con đến là do vợ chồng vỡ kế hoạch, chứ lúc đầu, chúng tôi đã quyết chỉ sinh 1 đứa thôi”.
Anh Bảo – chồng chị Tuyết – cho hay, lúc đó, anh cũng lo không biết sẽ nuôi các con bằng cách nào. Đứa lớn mới học lớp Một, nhà vừa xây xong, còn nợ gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh vẫn động viên để vợ vui vẻ đón nhận con, giữ tâm trạng tốt để con được khỏe mạnh chào đời.
3 năm qua, ngoài giờ làm ở công ty, anh chị vừa chăm con, vừa nhận thêm việc để làm, sống tằn tiện nên vẫn lo được các khoản nợ. Dù vậy, nửa năm nay, anh chị có mấy lần bàn nhau việc mang con về quê sống, do chị Tuyết thấy thành phố thiếu sân chơi, các con ít có cơ hội học kỹ năng sống. “Vợ tôi lo nhất là việc học hành của con, vất vả lắm” – anh Bảo nói.
Chị Tuyết cho biết, chính quyền TPHCM cũng có những chính sách hỗ trợ người lao động như xây thêm nhiều trường lớp, một số trường mầm non công lập cũng nhận chăm trẻ 6 tháng tuổi với mức phí vừa phải. Tuy nhiên, chỉ tiêu dành cho đối tượng này rất hạn chế. Chị Tuyết đã có rất nhiều ngày ôm đơn chầu chực trước cổng trường nhưng không thể vào được bên trong do bảo vệ báo “hết suất”. Cuối cùng, chị đành đưa con vào trường mầm non tư thục với mức học phí hơn 4 triệu đồng/tháng.
Vậy là, học phí của 2 đứa con gần đứt tháng lương của chị. Chưa kể, giờ giấc đưa đón con cũng khiến anh chị phải đau đầu sắp xếp, phải mang việc ở cơ quan về nhà làm để tranh thủ đón con. Buổi tối, cơm nước chưa xong, mở điện thoại, thấy bài tập về nhà của đứa con lớn, chị rã rời ngồi vào bàn kèm con học.
Chị N.T.T. – 40 tuổi, cũng tạm trú ở quận 8 – chỉ sinh duy nhất 1 cậu con trai sau ngày kết hôn tới 5 năm. 2 bên nội ngoại và hàng xóm đều cho rằng chị bị vô sinh hoặc chồng chị “yếu”. Nhưng, anh chị không thể giải thích cho họ về nguyên nhân thực sự: điều kiện kinh tế và hoàn cảnh chưa cho phép nên chưa dám sinh con, thậm chí chị từng phải đi bỏ thai.
Chị T. và chồng từ tỉnh Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp. Cả hai đều làm giáo viên, chị lại dạy môn lịch sử nên không thể mở lớp dạy thêm. Thu nhập của chị thấp, chồng chị cũng không khá hơn. Họ thuê phòng trọ, tốn 4 triệu đồng/tháng. Ngay khi kết hôn, họ đã có kế hoạch để dành đủ tiền, mới sinh con. 5 năm sau khi cưới, dôi ra được một khoản, anh chị quyết định sinh đứa con cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng, kể từ lúc em bé ra đời, đủ thứ phát sinh. Mỗi lần con ốm, anh chị phải mượn tiền lo chạy chữa. Vậy nên, họ thỏa thuận với nhau rằng chỉ đẻ 1 đứa, dứt khoát không đẻ thêm nữa. Đẻ thì dễ, nuôi con mới khó: ngoài tiền tã, sữa, thuê người chăm, tiền khám bệnh và thuốc men, còn thêm chi phí học hành, quần áo, giày dép, học các môn năng khiếu…
Tính tới nay, vợ chồng chị T. đã sống ở TPHCM 11 năm, con trai đã 6 tuổi mà cả nhà vẫn phải ở trọ. Khi được hỏi bao giờ sinh thêm đứa thứ hai, chị T. lắc đầu quầy quậy: “Tiền đâu nuôi con mà đẻ? Riêng tiền thuê người trông con là hết 1 tháng tiền lương giáo viên của chị rồi”. Sợ sinh con nên chị T. rất sợ mang bầu. Hễ tháng nào chậm kinh là chị lo sốt vó, mất ăn mất ngủ.
Nhiều hệ lụy từ việc ngại sinh
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2022, dân số trung bình của Việt Nam là 99,46 triệu người, tăng 955.500 người (khoảng 0,97%) so với năm 2021. Dân số tăng nhưng tỉ suất sinh lại giảm so với năm 2021, chỉ còn 2,01 con/phụ nữ, riêng TPHCM chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, không đạt được mức sinh thay thế.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử – nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân – cho rằng, mức sinh thấp ở TPHCM là do 2 nhóm yếu tố gián tiếp và trực tiếp. Trong đó, nhóm yếu tố tác động gián tiếp bao gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chính sách dân số của quốc gia.
Theo 1 nghiên cứu của viện trên, đại đa số cha mẹ đánh giá chi phí nuôi con, dạy con là tốn kém hoặc rất tốn kém. Trong khi đó, tỉ lệ cha mẹ đánh giá sự hỗ trợ của con cho mình không cao. Việc so sánh chi phí và lợi ích sẽ dẫn đến hành vi sinh đẻ hợp lý của các cặp vợ chồng. Khi chi phí lớn hơn lợi ích thì họ sẽ đẻ ít hơn. TPHCM gắn bó với cơ chế thị trường sớm hơn, lâu hơn và chịu ảnh hưởng của cơ chế bao cấp muộn hơn, ít hơn các tỉnh, thành phía Bắc. Do vậy, người dân TPHCM nhạy cảm hơn với bài toán chi phí và lợi ích sinh con. Ngoài ra, chi phí nuôi dạy con ở TPHCM cũng tốn kém, trở thành một nhân tố dẫn tới giảm sinh. Đa số các cặp vợ chồng phải nhờ người thân giúp đỡ nhưng sự hỗ trợ này không lớn.
Yếu tố xã hội cũng tác động lớn tới tâm lý ngại sinh con của người sống ở TPHCM. Đối với gia đình truyền thống, phụ nữ thường chỉ sinh đẻ, nuôi con, làm nội trợ nhưng hiện nay, nữ giới chiếm 45,8% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Bộ. “Hoạt động kinh tế sẽ làm giảm thời gian dành cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nên phụ nữ không thể có nhiều con” – giáo sư Nguyễn Đình Cử phân tích.
Ngoài ra, theo ông, y tế ngày càng phát triển nên tình trạng trẻ em tử vong giảm, cha mẹ không cần sinh bù, sinh dự trữ. TPHCM thu hút nguồn lao động lớn từ nhiều địa phương. Di cư tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống và trở thành nhân tố bất lợi cho việc sinh nhiều. Người dân phải đối mặt với nhiều trở ngại như không có đủ nhà trẻ công, nhà trẻ tư lại thu phí cao; giờ đón trẻ và giờ tan ca của cha mẹ khác nhau; đẻ nhiều ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập… Bên cạnh đó, người di cư thường phải thuê nhà, tốn nhiều chi phí mỗi lần về quê nên không có khả năng nuôi nhiều con.
Cũng theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, tâm lý “phải có con trai” ở Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng không nặng nề như ở vùng đồng bằng sông Hồng. Người dân không cố đẻ thêm để có con trai nên mức sinh thấp, đồng thời tỉ số giới tính khi sinh cân bằng và thấp hơn so với đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, theo thống kê năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh ở đồng bằng sông Hồng là 117,2 bé trai/100 bé gái và ở Đông Nam Bộ là 114,1 bé trai/100 bé gái.
Bên cạnh một số ưu điểm như nâng cao mức sống, chất lượng sống, giáo sư Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc “ngại sinh” sẽ để lại nhiều hệ lụy. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, những năm 1955-1960, nước này đạt mức sinh thay thế nhưng sau đó liên tục giảm: từ năm 2015-2020, mức sinh thay thế chỉ còn 1,37 con/phụ nữ.
Năm 2009, dân số Nhật Bản đạt gần 129 triệu người, năm 2020 chỉ còn 126 triệu, dự báo còn 98 triệu vào năm 2050 và 50 triệu người vào năm 2100. Suy giảm tổng dân số sẽ dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất như trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính, nhà máy điện… bởi chúng được xây dựng để phục vụ 129 triệu dân nhưng trong tương lai chỉ phục vụ 50 triệu dân.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử cũng cảnh báo về hội chứng 4-2-1: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 con sẽ xảy ra hội chứng là 4 ông bà nội ngoại, 2 người làm cha mẹ và 1 con. Điều này gây nhiều bất lợi cho cả đứa trẻ “con một” và cặp vợ chồng “1 con”. Khi còn nhỏ, đứa “con một” sẽ được 6 người quan tâm, chăm sóc, dễ béo phì, ích kỷ, dựa dẫm, không biết làm việc; khi trưởng thành, “con một” phải có trách nhiệm chăm sóc 6 người cao tuổi”.
Theo ông, cặp vợ chồng 1 con cũng có nhiều rủi ro. Khi nuôi con một, tâm lý cha mẹ cũng căng thẳng, lo lắng hơn. Ít con sẽ dễ ly hôn hơn. Do có 1 con nên chỉ vợ hoặc chồng được nuôi con và thường là người vợ được nuôi con. Khi đó, người chồng trở thành tay trắng. Như vậy, ít con có thể trở thành vấn đề lớn đối với nam giới.
Nghịch cảnh của bức tranh dân số trên thế giới cũng như Việt Nam là ở những nơi phát triển, đầu tư nhiều, việc làm nhiều thì mức sinh thấp, khan hiếm lao động và ngược lại. Tình trạng trên là nguyên nhân chủ yếu tạo nên các dòng di cư ngày càng mạnh mẽ từ các nước, các vùng kém phát triển hơn đến các nước, các vùng phát triển hơn. Theo một thống kê năm 2017, mật độ dân số của TPHCM cao hơn mật độ dân số của Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ khoảng 3-5 lần nhưng số vụ tai nạn giao thông nhiều hơn tới 37-38 lần, số người chết gấp từ 8-12 lần, số bị thương nhiều hơn tới khoảng 50 lần.
Được khuyến khích, phụ nữ Đức vẫn ngại sinh con
Biết mình mang thai đứa con thứ ba, ban đầu, chị Đàm Thu Thanh – định cư ở Đức – cảm thấy lo lắng bởi vợ chồng chị vừa mua nhà trả góp, chị cũng chỉ làm việc bán thời gian (3 buổi/tuần) với thu nhập thấp. Nếu quyết định sinh con, chị buộc phải ở nhà trông con.
Khi có 3 con, hằng tháng, mỗi đứa trẻ được trợ cấp 250 euro, nghĩa là đều đặn hằng tháng, chị Thanh nhận được 750 euro để chăm sóc các con về mặt vật chất. Ngoài ra, khi chứng minh mức thu nhập gia đình thấp, chị Thanh cũng nhận thêm 300 euro hằng tháng từ Chính phủ Đức. “Đức là nước có chính sách an sinh xã hội rất tốt. Trẻ từ 3 tuổi sẽ được đi học miễn phí cho đến bậc đại học. Do đó, chi tiêu hằng tháng dành cho các con chỉ loanh quanh chuyện tã, sữa, dinh dưỡng để phát triển bình thường. Vì vậy, khoản tiền do chính phủ trợ cấp cho các con gần như tháng nào cũng dư. Tôi chuyển tiền dư vào tài khoản ngân hàng, xem như phần tiết kiệm để các con dùng cho những nhu cầu cần thiết khi đủ 18 tuổi. Khi sinh con thứ ba, mỗi người chúng tôi cũng được hỗ trợ 12.000 euro để mua nhà trả góp trong vòng 10 năm” – chị Thanh nói.
Điều chị Thanh lo lắng nhất khi sinh thêm con là làm sao để cha mẹ luôn ở bên, đồng hành và giáo dục con phát triển tốt nhất. Đó cũng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này khi họ có chính sách khuyến khích người mẹ ở nhà chăm sóc con cho đến khi con đủ tuổi học mầm non, bằng cách đặt ra mức chi phí ở các lớp giữ trẻ dưới 3 tuổi rất đắt, đồng thời trả lương cho người mẹ nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con trong 3 năm đầu với số tiền hằng tháng tương đương 80% mức lương công việc họ được trả trước đó.
Chị Thanh cho biết, dù chế độ an sinh xã hội tốt nhưng nhiều phụ nữ Đức vẫn không sinh nhiều con bởi họ muốn tận hưởng cuộc sống và có điều kiện khẳng định năng lực bản thân. Việc nghỉ thai sản khi sinh con khiến họ có thể mất đi những cơ hội thăng tiến trong công việc.
NPV – Nguồn: phunuonline.com.vn
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Tại TP HCM, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...