KINH TẾ
Vận động lao động bất hợp pháp hồi hương
SLO – Đến nhà thuyết phục ông Bắc khuyên hai con đang làm việc bất hợp pháp về nước, ông Chu Ngọc Tửu nói họ nhận lời nhưng thực ra đang ngầm ủng hộ con.
Cuối tháng 8, ông Tửu, Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng, cùng trưởng thôn và cán bộ xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tới nhà ông Bắc, 54 tuổi, để nhờ khuyên hai con trai đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước. Gặp tổ công tác, ông Bắc mời tất cả ngồi uống nước, tiếp chuyện cởi mở.
“Tôi khuyên con làm sao cho đúng pháp luật, chúng ậm ừ nhưng hơn hai năm rồi vẫn chưa về”, ông Bắc nói. Hai con trai của ông Bắc tuổi 27-28, con đầu sau khi sang Hàn Quốc theo con đường du lịch đã trốn ra ngoài tìm việc, đến nay cưới vợ rồi sống bên đó, gửi con về nhờ ông bà nuôi. Con thứ hai làm việc ở Nhật Bản hơn một năm thì bỏ, giờ đang làm ở xưởng thực phẩm.
Chi phí hơn 300 triệu đồng để hai con xuất ngoại, ông Bắc ngoài vay ngân hàng còn nhờ họ hàng hỗ trợ thêm để không phải trả lãi cao. Đến nay, nhờ kiều hối mà con gửi về, ông đã trả hết nợ. Nhiều lần làm việc với cán bộ thôn xã, ông hiểu việc con cư trú bất hợp pháp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng bản thân không thể quyết, phải phụ thuộc vào nguyện vọng của con.
“Đôi lúc tôi nhắc khéo định khi nào về, con tỏ vẻ không vui, nói bố hỏi gì mà nhiều thế. Có hôm, nó tâm sự thật hiện tại chưa tiết kiệm được tiền, vì vừa rồi các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên những lao động bất hợp pháp kiếm việc rất khó. Hơn nữa, về quê lúc này cũng không biết làm gì, cưới vợ, có con rồi phải lo rất nhiều thứ”, ông Bắc kể.
Ông Tửu nghe xong bắt tay gia chủ, nói “hy vọng một ngày ba bố con tìm được tiếng nói chung”. Trên đường sang nhà khác, Bí thư thôn chia sẻ đã nhiều lần gặp ông Bắc nên hiểu được tâm lý. Dù bề ngoài hợp tác, trong lòng họ đang ngầm ủng hộ con ở lại nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Trường hợp của ông Bắc, Bí thư Tửu đánh giá là “dễ chịu”, vì tiếp cán bộ rất nhiệt tình. Nhiều năm qua khi ông đến đặt vấn đề với khoảng 10 gia đình, nói họ khuyên con đang làm việc bất hợp pháp hồi hương, chỉ 3-4 hộ hợp tác. Nhiều người đóng cửa không tiếp, hoặc trả lời hời hợt, qua loa cho xong.
Có lần đến gặp bố mẹ của một lao động, ông Tửu được kết nối gọi qua mạng xã hội cho gặp con trai thứ hai đang cư trú trái phép ở Hàn Quốc. Nghe Bí thư thôn phân tích, cậu nói: “Tình hình này cháu chưa về được. Kinh tế hiện nay khó khăn lắm, cuối năm 2019 đến nay thu nhập giảm gần một nửa do dịch bệnh, mong bác thông cảm”.
Ông Tửu đáp “bác hiểu được tâm trạng của con em xa quê, nhưng cháu làm vậy là chưa đúng đâu, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, nên cân nhắc cho kỹ”, rồi khuyên anh này giữ gìn sức khỏe. Hai tháng sau ông tiếp tục đến nhà vận động, song khi kết nối qua mạng không nhận được phản hồi.
Theo một cán bộ chính sách xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An – nơi có nhiều người đang xuất ngoại làm việc “chui”, việc đi tuyên truyền, vận động mới là phần ngọn của vấn đề. Đa số đều tiếp xúc theo tính chất “bắc cầu” qua người thân, không gặp trực tiếp người vi phạm nên hiệu quả không cao.
Mỗi khi gặp gỡ, ông thường phân tích theo hướng tình cảm vợ chồng, mẹ con xa cách lâu ngày nhằm tác động vào tư tưởng. Cũng có một vài trường hợp sau này trở về, nhưng để chứng minh rằng họ tự nguyện, hay là do hiểu được lời khuyên của chính quyền thì không có căn cứ. Việc này không đạt hiệu quả ngay mà theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chỉ rõ các hệ lụy đối với cả người đang làm hồ sơ xuất cảnh để họ không có ý định bỏ trốn.
“Nếu kiên trì thì đôi lúc cũng mang lại thành quả. Hai năm trước, tôi nhiều lần trực tiếp tới nhà và gọi điện cho một lao động đã hết hợp đồng nhiều năm, đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Đầu năm nay, người thân tác động tiếp, họ đã về nước”, vị cán bộ xã nói và cho hay đây là trường hợp hiếm hoi hồi hương.
Huyện Bố Trạch và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cũng có hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động. Một số khu vực, nhà chức trách đã in băng rôn, bảng biển kích thước lớn gắn trên tường trụ sở công ty, cơ quan nhà nước, khuyến cáo người dân khi làm việc ở nước ngoài không nên bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch xã Hải Ninh, cho biết toàn xã có 600 lao động ở nước ngoài, tỷ lệ bỏ ra ngoài khoảng 10%, đa phần là người trẻ dưới 30 tuổi. Cán bộ thường khuyên người dân không được ủng hộ con bỏ trốn ra ngoài tìm việc, bởi như vậy là lớp đi trước làm khổ lớp đi sau, nước bạn sẽ không tuyển lao động của địa phương mình nữa.
“Xã đang tham khảo ý kiến huyện về việc không xác nhận cho người thân đi xuất khẩu nếu gia đình có thành viên đang bỏ trốn ở nước ngoài”, ông Liệu nói về phương án sắp tới, sau nhiều lần đi vận động nhưng không đạt kết quả.
Việt Nam có hàng nghìn lao động đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, đa phần ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hồi tháng 7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với 8 huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương và Thanh Hóa, do số người cư trú bất hợp pháp từ 70 trở lên, tỷ lệ hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn trên 27%.
Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông Đinh Văn Nam, cho rằng nguyên nhân lao động bất hợp pháp không về nước chủ yếu do thu nhập. Bỏ ra ngoài làm lương cao gấp hai đến ba lần so với đi theo đơn hàng của công ty, nếu trở về quê thì thu nhập thấp, không thể đáp ứng được chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, biết là sai nhưng rất ít gia đình đủ bản lĩnh đề khuyên con về, bởi ai cũng mong có tiền cải thiện cuộc sống.
Ông Nam đánh giá chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh. Người lao động trước khi xuất cảnh được yêu cầu ký quỹ, đóng 100 triệu đồng, nếu bỏ ra ngoài sẽ bị thu số tiền này vì vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, khoản này đem so sánh cũng chỉ bằng 2-3 tháng lương làm ngoài nên nhiều người sẵn sàng mạo hiểm. Ngoài ra nhà nước có quy định phạt tiền người vi phạm 80-100 triệu đồng, song để xử lý là rất khó, vì không nắm được thông tin của họ.
“Phải khẳng định rằng đưa người lao động đi nước ngoài đã thành luật, vậy khi phạm luật nên có chế tài nghiêm khắc và đủ mạnh. Ban đầu khi bỏ trốn có thể không vận động được, nhưng lúc họ về nước thì phải xử lý thế nào để làm gương cho những trường hợp khác, đó mới là mấu chốt”, ông Nam nói.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động đi làm việc nước ngoài, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng để hạn chế tình trạng bỏ trốn, doanh nghiệp cần thị sát công ty tiếp nhận xem mức lương, phúc lợi, tiền làm thêm cho lao động ra sao. Nếu yên tâm với chế độ làm việc và thu nhập, hết hạn được tạo điều kiện gia hạn hợp đồng hoặc sớm quay trở lại quốc gia đó làm việc tiếp, người lao động sẽ không tính chuyện bỏ trốn ra ngoài làm.
Doanh nghiệp đồng thời cũng phải giáo dục định hướng cho người lao động, đào tạo ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán để họ có đầy đủ thông tin… Hòa nhập môi trường làm việc, hạn chế mâu thuẫn với người quản lý hoặc chủ sử dụng lao động sẽ góp phần giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn.
Nhóm phóng viên – Nguồn: vnexpress.net
*Tên nhân vật đã thay đổi.
SLO - Vượt qua đỉnh dịch, Thương, quê Thanh Hóa, cứ nghĩ TP HCM là "định mệnh" nhưng sau 4...
SLO - Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê...
SLO - Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp...
SLO - Bỏ bằng cao đẳng và công việc kỹ thuật để sang Đài Loan làm công nhân xây dựng,...
SLO - Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại và...
SLO - Bão số 3 đi qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ,...
SLO - Thư viện di động “Little Charity Book Truck” trên chiếc xe bán tải cũ phục vụ độc giả...
SLO - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới tạo ra 57 triệu tấn ô nhiễm nhựa mỗi...
SLO - Sáng ngày 5/9 bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, được...
SLO - Sáng ngày 06/10/2024, tại Lễ trao Giải Sách Hay 2024 được tổ chức trang trọng tại TP.HCM, cuốn...
SLO - Người Sài Gòn đối xử với cuộc đời thật “sang”, dù cuộc mưu sinh vốn chẳng dễ dàng....
SLO - Chắc hẳn rằng bạn đọc quen thuộc của SocialLife biết đến PGS.TS Phạm Văn Quang với các tác...
SLO - Có lẽ Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) tại Việt Nam dần dà được đón mừng theo cái...
SLO - Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại...
SLO - Mặc trời giông gió, những xe hàng rong trước cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...
SLO – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng...